Hình thức thờ cúng Tổ Tiên ở Miền Nam
Còn quá nhiều điều ta chưa biết được trong việc đi tìm “chân dung” đích thực của những dòng họ cư dân đã khai phá đất Nam bộ. Qua việc thờ cúng tổ tiên của nhiều tộc họ sinh sống lâu đời tại TP. Hồ Chí Minh ta mới phần nào thấu hiểu được bề dày lịch sử của các dòng họ lưu dân ấy trên bước đường Nam tiến, và càng thấy rằng 300 năm qua là một chặng đường lịch sử thật quan trọng và vĩ đại mà cư dân Việt đã trải qua đầy gian nan lao nhọc nhằn để góp phần tạo dựng nên vùng đất Nam Bộ này.
Do bối cảnh xã hội Nam bộ hình thành đặc thù nên việc thờ cúng tổ tiên của cư dân Việt tại đây ngoài những dạng chung nhất, còn thấy thể hiện một số hình thức khác lạ so với miền Bắc và miền Trung như cúng Việc lề, cúng Tổ cô v.v…
Tìm hiểu một số hình thức thờ cúng tổ tiên của dân Việt tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay càng thấy được sắc thái tín ngưỡng và văn hóa khá đặc biệt đã hình thành nên từ 300 năm qua nơi vùng đất này. Chúng tôi xin đề cập khái quát về lễ cúng tảo mộ, lễ giỗ tộc họ, lễ cúng Việc lề và lễ cúng Tổ cô của một số dòng họ cư dân đã sinh sống lâu đời tại thành phố này.
Cũng như người Hoa, người Việt thường tảo mộ vào tiết Thanh Minh từ khoảng mồng 5 đến 15 tháng 3 âm lịch. Trong dịp này người ta thăm viếng, cải táng hoặc sửa sang phần mộ của tổ tiên, thân nhân. Ngoài ra, khá đông người Việt tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu đi tảo mộ vào một số ngày quanh rằm tháng chạp, là thời điểm mà việc đồng áng đã xong, người nông dân chỉ chờ đón tết. Lúc đó, người ta mới có điều kiện để “chuẩn bị” cho tổ tiên, thân nhân quá vãng “ăn tết”. Họ giẫy cỏ, cọ rửa, sơn phết, đắp thêm đất, trồng thêm hoa, thêm cây quanh mộ. Hành động này xuất phát từ quan niệm cho rằng mộ của người chết cũng quan trọng như cái nhà của người sống, nó phải được chăm sóc, chuẩn bị để đón tết. Một người có hiếu không khi nào để cho phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình hoang tàn, lạnh lẽo. Trong dịp tảo mộ, trẻ con cũng được người lớn dẫn theo để nhận biết phần mộ của tổ tiên.
Sửa sang mộ xong, người ta bày thức ăn cúng ngay nơi mộ để dâng lên tổ tiên, phần lớn là những món ăn truyền thống của miền Trung như cá lóc nướng trui, bánh tráng nướng v.v… Không chỉ dừng lại đó, nhiều dòng họ còn tiếp tục tiến hành nghi thức cúng miếu, chủ yếu là miếu Ngũ hành. Trước đây, nơi khu mộ của những dòng họ cư trú lâu đời đều có lập miếu Ngũ hành… Vào dịp tảo mộ, mọi người trong dòng họ đều tề tựu đến miếu Ngũ hành của gia tộc để cúng. Trong tín ngưỡng dân gian, tùy thuộc vào tính chất của khu vực cư trú và nghề nghiệp của cư dân mà một trong 6 nguyên lý của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) được “lựa chọn” vận dụng và thể hiện với mức độ khác nhau, và thông thường, nguyên lý có ưu thế nhất sẽ được cư dân đồng hóa như một vị thần. Ví dụ, những người làm nghề gốm, do sản phẩm của họ phải được nung trong lửa nên họ chú ý yếu tố “hoả” nhất trong ngũ hành, còn với cư dân nông nghiệp tại các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… do chủ yếu chỉ làm ruộng, cuộc sống gắn liền với đất đai nên yếu tố “thổ” trong ngũ hành được đề cao nhất và được đồng hoá thành Thổ thần. Tại khu mộ tổ tiên của dòng họ Phan (ấp 1, xã Tân Nhựt, thành phố Hồ Chí Minh) người ta lập miếu Ngũ hành và thực chất nó được cúng kiến dưới ý niệm như miếu Thổ thần. Họ tin rằng vì Thổ thần là vị thần cai quản khu vực đất đai – nơi có các ngôi mộ – nên các ngôi mộ của tổ tiên sẽ được đặt dưới sự che chở, bảo hộ của Thổ thần. Do quan niệm Thổ thần là vị thần hoang dã nên thức cúng chủ yếu là thịt heo, vịt, mắm sống… Cúng miếu xong, mọi người tập trung lại cùng dự chung bữa cơm trong thân tộc.
- Lễ giỗ tộc họ:
Như ta đã biết, trên bước đường vào Nam tìm đất sống nhiều dòng họ đã tụ cư tại đây, dần dà họ lập làng, lập xóm, xây đình, chùa, miếu, nhà thờ họ, từ đường… Chỉ từ khi làng có đình, họ mới không còn mặc cảm về thân phận lưu dân của mình nữa; và chỉ từ khi lập được từ đường, miếu họ thì họ mới yên tâm không còn sợ bị “lạc bổn sai căn”, “mất nguồn mất cội” nữa. Tinh thần gia tộc và tình đồng hương giúp cho những lưu dân sức mạnh để vượt qua được những gian khó trên bước đường khẩn hoang.
Với tác động tích cực của các sinh hoạt cúng giỗ họ tộc, nhiều năm nay tín ngưỡng này đã và đang phát triển trên diện rộng, nhất là khi đời sống kinh tế xã hội người dân được nâng cao hơn. Những thế hệ già, trung niên, những người có tinh thần gia tộc nhớ ơn tổ tiên, có nhiệt tâm đã cùng nhau vận động, khôi phục nếp sinh hoạt cộng đồng dòng họ. Người ta liên lạc, vận động, tập hợp họ hàng quyến thuộc, đồng hương xây dựng sửa chữa từ đường, nhà thờ họ, tái lập gia phả, sửa sang mồ mả tổ tiên, thành lập những Hội đồng gia tộc v.v… Nhiều dòng họ lớn đã mua đất, xây mới các nhà thờ họ tại thành phố Hồ Chí Minh (ngoài từ đường chính của họ ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung).
Qua nghi thức cúng giỗ của các dòng họ này có thể biết được địa vị xã hội của các vị tiền hiền khi còn sinh tiền. Ví dụ lễ cúng giỗ của tổ tiên dòng họ Trần Công là Trần Công Xích được tổ chức với các nghi thức rất long trọng, vì ông này nguyên là một võ tướng biên trấn từ thời Nguyễn Hoàng. Sau những cuộc chinh phạt chiến thắng ông đều được lệnh triều đình Đàng Trong đưa quân, mộ dân, lập làng tại Quảng Nam, được phong chức Tổng Quản (quan võ kiêm quan văn). Do đó khi cúng tế vị tiền hiền này, ngoài các nghi thức như cờ xí rợp trời, tế heo sống, trống chiêng cùng ban nhạc lễ, đội lễ sanh còn có cả tế văn tế võ. Nghi thức tế võ Việt Nam cổ truyền vốn là nghi thức dành để cúng tế các vị quan Võ tướng.
Nội dung các bài tế khi cúng giỗ tổ tiên các dòng họ có thể là nguồn tài liệu để nghiên cứu về quá trình di dân khẩn hoang của lưu dân từ miền Bắc vào đến miền Trung rồi miền Nam.
Các nhà thờ tộc họ tại thành phố Hồ Chí Minh có thể có quy mô xây dựng to, vừa hoặc nhỏ, có thể về nghi thức cúng tế có những mức độ khác nhau… nhưng tất cả đều hội tụ một mục đích dùng làm nơi để những người trong tộc họ liên lạc, gặp gỡ nhau để cúng tế, tưởng nhớ công đức của tổ tiên, lưu truyền lai lịch tổ tiên và gia phả đồng tộc.
Việc cúng giỗ tổ tiên của các tộc họ tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ diễn ra tại các từ đường, nhà thờ họ mà còn được tổ chức tại các tịnh xá, chùa chiền, đó là các cơ sở vốn do một gia đình hay một nhóm thân tộc lập ra và tự quản lý. Dần dà các tịnh xá hoặc chùa này được dùng làm nơi thờ cúng cho cả dòng họ. Về sau có thể các cơ sở này trở thành chùa Phật thuộc hệ thống quản lý của Giáo hội Phật giáo, song do công lao lập chùa, người ta vẫn dành cho dòng họ một khu vực nơi chính điện để thờ cúng tổ tiên của dòng họ ấy.
Cúng Việc lề là nghi thức cúng truyền thống theo việc đã thành lề thói, thành lệ, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung.
Cúng Việc lề khá phức tạp, đa dạng vì ở Nam bộ, tín ngưỡng này bao hàm nhiều nội dung được đan ghép vào nhau. Người dân Nam bộ quan niệm về tín ngưỡng này khá rõ ràng, rạch ròi như một công thức: “Trước hết là cúng Việc lề, sau là sẵn cúng đất, cúng cô hồn, cầu an cho dòng họ”.
Cúng Việc lề là cúng các vị thủy tổ dòng họ của những lưu dân từ miền Trung đi vào Nam khẩn hoang, lập làng từ vài thế kỷ trước. Do gốc gác cư dân từ miền Trung nên thức cúng việc lề của họ cũng là những món ăn truyền thống của miền Trung như thịt phay, cháo nấu ám (cháo nấu thật nhừ với cá lóc để nguyên cả con)…
Điểm đặc biệt trong nghi thức cúng Việc lề là người cúng cố tái hiện lại cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của ông bà, tổ tiên thời xưa đi khẩn hoang ở Nam bộ, như thức cúng chỉ dọn trên đệm bàng hoặc chiếu trải dưới đất ngoài sân. Chén bằng gáo dừa, đũa làm bằng que tre… Thức cúng đều là những món ăn mộc mạc, đơn sơ, phản ánh hoàn cảnh sống thiếu thốn, như cá lóc nướng trui, cháo ám, cá để nguyên vảy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi (vì không có dao); rau ráng luộc (rau mọc dại ven sông), mắm sống, cốm nổ rang v.v…
Cách thức cúng như thế nhằm để con cháu đời sau hình dung phần nào cuộc dấn thân phiêu bạt tìm đất sống gian nan của tiền thân, từ đó nhớ ơn tổ tiên và cố gắng sống cho xứng đáng với sự hy sinh ấy.
Cúng Việc lề còn là dạng “giỗ hội”, là ngày “hiệp kỵ” tổ tiên của một dòng họ, những bậc tiền bối quá vãng từ 4 đời trở về trước được tổ chức cúng gom chung lại thành giỗ “Cửu huyền thất tổ”. Các bài vị thờ quá 4 đời trong nhà sẽ được con cháu chuyển về thờ chung nơi miếu họ, từ đường… để rồi đến ngày giỗ của dòng họ sẽ tổ chức “giỗ hội” chung một lần. Ngày giỗ hội có thể chính là ngày cúng việc lề, hoặc là ngày mất của vị thủy tổ, hay chọn một ngày trong tháng tảo mộ (gọi là “lễ chạp”), thường vào tháng chạp âm lịch…
Cúng Việc lề hoàn toàn mang tính cách riêng tư của từng dòng họ, nên mỗi dòng họ tự quy ước với nhau về ngày cúng và thức cúng, như là một hình thức ghi “gia phả sống”. Xưa kia do chiến tranh, loạn lạc, bắt bớ, truy nã… nên nhiều gia đình, dòng họ phải thay tên đổi họ, đốt bỏ gia phả để tránh liên lụy, do đó ngày cúng, thức cúng được quy định trong cúng việc lề được xem như một “ký hiệu riêng” của nhiều dòng họ ở Nam bộ . Chính nhờ những “ký hiệu riêng” ấy trong cúng Việc lề mà người cùng dòng họ có thể nhận biết được nhau trên bước đường lưu lạc.
Cúng Việc lề còn nhằm cầu an cho dòng họ, khấn bái ông bà, tổ tiên quá vãng phù hộ con cháu tránh được mọi điều rủi ro, dịch bệnh, tai ương.
Cúng Việc lề cũng bao hàm cả nghi thức cúng thí thực. Người ta cúng một mâm cơm để ngoài sân dành cho cô hồn, cho những vong linh xấu số “xiêu mồ lạc mả”, chết khi phiêu bạt, tha phương trên bước đường khẩn hoang, kiếm sống, không có con cháu cúng kiến, thờ tự. Trong tâm thức của cư dân Việt, Nam bộ họ không chỉ muốn chia xẻ, an ủi những vong linh xấu số, xa lạ mà còn tin rằng trong số những linh hồn bơ vơ, vất vưởng ấy còn có cả họ hàng, thân thích trong gia tộc mình đã chẳng may bỏ mình chốn rừng thiêng nước độc nào đấy vì đi khẩn hoang, vì tha phương cầu thực hoặc vì nạn đao binh.
Cúng Việc lề hầu như luôn kèm theo cúng đất (tức cúng tạ thổ, cúng chủ thổ), là một dạng tín ngưỡng xuất xứ từ tục cúng “tạ thổ kỳ yên” của cư dân vùng Ngũ Quảng trong quá trình khẩn hoang ở Nam bộ. Tín ngưỡng “tạ thổ” rất được xem trọng và đã được địa phương hoá. Do thiên nhiên Nam bộ khi mới khai phá còn quá khắc nghiệt (thú dữ, rừng thiêng, nước độc, dịch bệnh…), nên người ta cúng đất nhằm ngụ ý mua hay thuê, hoặc mượn tạm đất của thần linh để gia đình dòng họ được yên ổn làm ăn sinh sống.
Trong trường hợp tổ tiên dòng họ đi từ Trung vào Nam bằng tàu ghe thì trong lễ cúng Việc lề người ta lấy thân chuối làm thành chiếc tàu nhỏ, trên đó đặt thức ăn, được xem như lương thực đi đường – để đưa tiễn tổ tiên – sau đó chiếc tàu này được thả trôi nơi ngã ba sông rạch.
Tóm lại, cúng Việc lề là tín ngưỡng đặc thù của địa phương Nam bộ, được hình thành từ thời khẩn hoan đến nay đã trên dưới 300 năm. Hiện nay, tại vùng ngoại thành, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các vùng nông thôn Nam bộ, tín ngưỡng này còn được lưu giữ khá đậm nét ở nhiều dòng họ lớn như một sinh hoạt văn hoá đặc thù có tác dụng gắn kết cộng đồng, củng cố tình thân gia tộc, dòng họ, bộc lộ sự đồng cảm, lòng nhớ ơn của con cháu đối với nguồn cội, tổ tiên và công cuộc mở đất của các bậc tiền thân.
Trong quá trình di dân khẩn hoang vài trăm năm qua, không ít yếu tố văn hoá, tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam Bộ đã có những biến thái so với nội dung và tính chất ban đầu của nó tại miền Bắc và miền Trung. Một trong những dạng tín ngưỡng dân gian ấy là tín ngưỡng thờ Tổ cô tại thành phố Hồ Chí Minh đã biến thái so với tín ngưỡng Bà cô ông mãnh tại miền Bắc và Bà cô ông quận tại miền Trung.
“Môtip” chung tín ngưỡng Bà cô ông mãnh tại miền Bắc và Bà cô ông quận tại miền Trung và tín ngưỡng “Tổ cô” tại miền Nam là: người ta thờ những đồng nam, đồng nữ (chưa lập gia đình, đồng trinh, rất trẻ), chết oan khuất vào giờ thiêng nên hiển linh như thần thánh, có nhiều huyền thoại. Các hồn này thường biểu hiện hai “thái độ”: thứ nhất là trừng phạt sự lơ là cúng lễ của con cháu bằng cách “bắt” trẻ con theo về thế giới bên kia; thứ hai là cứu nạn, độ trì cho trẻ em, người lớn trong dòng họ nếu biết giữ lễ thờ cúng.
Trong thực tế, việc thực hiện các dạng tín ngưỡng Bà cô ông mãnh tại miền Bắc, Bà cô ông quận tại miền Trung và tín ngưỡng Tổ cô tại miền Nam còn mang những sắc thái có phần khác biệt.
Tín ngưỡng Bà cô ông mãnh thờ cả đồng nam lẫn đồng nữ, cách thức thờ cúng còn rất đơn sơ “nơi một kệ thờ thuộc vị trí thấp dưới gầm hương án của bàn thờ tổ tiên”. Còn tín ngưỡng Bà cô ông quận cũng thờ cả đồng nam lẫn nữ, song việc thờ cúng được nâng cao hơn qua việc lập am nhỏ trước sân nhà. Tuy nhiên nghi thức cúng lại mang đậm màu sắc “đồng bóng” thuộc phạm vi tín ngưỡng “Thờ Mẫu và Chư vị”. Trong khi đó, vào tới Nam Bộ, tín ngưỡng Tổ cô chỉ còn thờ “đồng nữ”, nghi thức thờ cúng tổ cô không liên quan gì đến việc Thờ Mẫu và Chư vị mà tín ngưỡng này đã nâng lên thành một bộ phận của việc Thờ cúng tổ tiên, nơi thờ được xây dựng riêng, thậm chí thành một loại “Tộc miếu” của những dòng họ lớn. Các tộc miến này đủ chỗ để hàng trăm thành viên trong gia tộc hàng năm về dự giỗ họ. Ví dụ tại huyện Bình Chánh ở thành phố Hồ Chí Minh có các tộc miếu thờ Tổ cô của giòng họ Lại (thờ cô Lại Thị Diệu) ở các xã Vinh Lộc B, Tân Tạo, Phong Phú…; Tộc miếu thờ Tổ cô của dòng họ Hồ (thờ cô Hồ Thị Hiên, hoặc Hồ Thị Bông) tại các xã Bình Chánh, Hưng Long, Tân Phú… tại quận Tân Bình tín ngưỡng Tổ cô cũng được thờ chung với các vị tiền hiền nam trong những ngôi từ đường, miếu họ lớn như tộc miếu của dòng họ Trương Phú; tộc miếu của dòng họ Trần Công…
Tóm lại, qua một số hình thức cúng giỗ tổ tiên của nhiều dòng họ tại thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện một phức hợp về tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Với sự phát triển nhanh việc xây dựng nhà thờ tộc họ và các hình thức đa dạng về cúng giỗ tổ tiên đã cho thấy đây là một hiện tượng xã hội đáng chú ý và là nhu cầu thực sự bức bách của người dân. Nhu cầu này chính đáng hơn nếu nhìn về mặt tâm lý xã hội và đời sống tâm linh vì trong đó, ý thức về cội nguồn của gia tộc, ý niệm “uống nước nhớ nguồn”, “tri ân tổ tiên” và sự kết gắn thân tộc, tương trợ đùm bọc nhau… chính là những khía cạnh tích cực của Văn hoá tộc người, xét trên bình diện cổ truyền lẫn hiện đại.