Ngoài việc cách ly để điều trị, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân vừa từ Guinea về Việt Nam đã được cán bộ y tế Đà Nẵng đi máy bay ra giao tận tay cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở Hà Nội làm xét nghiệm.
18h30 tối 1/11, Sở Y tế Đà Nẵng đã phát thông báo khẩn gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur Nha Trang và các ban ngành địa phương, về việc xử lý trường hợp nghi nhiễm vi rút Ebola. "Trường hợp này phải xử lý như một bệnh nhân Ebola", bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế, nói trong cuộc họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan.
Lúc 10h30 sáng cùng ngày, phòng cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Ch. (26 tuổi, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị sốt. Anh sống và làm việc tại Guinea 2 năm nay. Năm ngày trước, anh về Việt Nam, quá cảnh qua Marrocco và Qatar trước khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), sau đó bay ra Đà Nẵng thăm bạn.
Bệnh nhân được chuẩn đoán đã sốt 2 ngày, chưa rõ nguyên nhân. Do đi về từ vùng có dịch Ebola nên theo quy định phải lập tức chuyển vào bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Bệnh nhân được chuyển bằng ô tô đến khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện Đà Nẵng - nơi cách ly điều trị bệnh Ebola của thành phố. Trung tâm y tế dự phòng thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực khám cách ly bệnh nhân.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện đặt thiết bị đo thân nhiệt hành khách bay đến từ vùng có dịch Ebola. Ảnh: Nguyễn Đông
"Ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm, một cán bộ của Trung tâm y tế dự phòng đã bắt máy bay mang theo hộp mẫu ra Viện dịch tễ trung ương để làm xét nghiệm. Ông Viện trưởng đã chờ sẵn ở sân bay Nội Bài để tiếp nhận mẫu này, hy vọng có kết quả sớm", bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói và cho biết người bạn tiếp xúc với bệnh nhân cũng đang được giám sát bệnh.
Bác sĩ Yến cho biết, bệnh nhân có uống thuốc hạ sốt và sốt từng cơn, nên có thể khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất lực lượng hải quan đã không kiểm tra được triệu chứng này. Khu vực điều trị bệnh cho bệnh nhân ở bệnh viện Đà Nẵng là nơi riêng biệt, ở tầng trên cùng và tách biệt với các bệnh nhân y học nhiệt đới khác nên theo bà, người dân không nên quá lo lắng.
"Hy vọng là bệnh nhân bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết. Tuy nhiên vẫn không loại trừ việc bệnh nhân vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị Ebola nhưng tỷ lệ rất thấp. Bây giờ phải chờ kết quả xét nghiệm của Viện dịch tễ trung ương. Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều mang đồ bảo hộ", bà Yến nói. Đây là ca nghi nhiễm Ebola thứ hai ở Việt Nam, sau trường hợp trước ở TP HCM.
Trao đổi với VnExpress lúc 22h tối 1/11, bác sĩ Phạm Hùng Chiến cho biết, theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh nhân Ch. ban đầu được xác định bị sốt rét, nên việc điều trị tập trung theo hướng dành cho bệnh này. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi kết quả này, đồng thời chờ kết quả xét nghiệm Ebola từ mẫu bệnh phẩm vừa gửi đến Viện dịch tễ trung ương trong vòng hai ngày tới", ông Chiến nói. Bệnh nhân đang được cách ly nghiêm ngặt
Trước đó, Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng đã được giao nhiệm vụ khẩn trương điều tra, xác định những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân trên kể từ khi người này có dấu hiệu sốt, phối hợp với bệnh viện Hoàn Mỹ xác định nhân viên y tế trực tiếp tiếp nhận, thăm khám và xét nghiệm máu của bệnh nhân để có những biện pháp theo dõi, phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola.
Ông Chiến cũng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM xác định các chuyến bay và hành khách ngồi gần bệnh nhân để phối hợp triển khai các biện pháp theo dõi theo đúng quy định. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất để cách ly, chẩn đoán, điều trị cho người mắc bệnh do vi rút Ebola.
Nguồn: http://vnexpress.net/