Nguồn gốc Tết Hàn thực ở Việt Nam
Phong tục Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo nghĩa chữ Hán “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn Thực” là tết ăn đồ lạnh.
Theo chuyện kể vào đời Xuân Thu (770-221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn lạc nên phải bỏ nước lưu vong sống rày đây mai đó, nay nước Tề, mai nước Sở. Lúc bấy giờ, một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi, theo phò trợ vua đã giúp đỡ bày nhiều mưu kế. Một hôm nọ, trên đường chạy nạn, lương thực cạn sạch, Giới Tử Thôi lén cắt thịt mình nấu dâng lên vua. Vua Tấn Văn Công dò hỏi mới biết, vô cùng cảm kích lòng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng chín năm, cùng nhau nằm gai nếm mật, tập luyện thành tài. Sauk hi Văn Tấn Công giành lại được ngôi vương, phong thưởng hậu hỉnh cho những người có công, nhưng quên mất Giới Tủ Thôi. Giới Tử Thôi không oán trách giận hờn, việc theo phò trợ vua là việc nên làm. Vì thế, Giới Tử Thôi đưa mẹ về Núi Điền Sơn ở ẩn.
Về sau Tấn Văn Công nhớ ra, cho người tìm Giới Tử Thôi. Bản chất không tham danh lợi chức vụ nên Giới Tử Thôi nhất quyết không quay về. Vì muốn ép Giới Tử Thôi quay về, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng nhưng không ngờ Giới Tử Thôi quyết chí, cùng mẹ chịu chết cháy trong rừng.
Vua thương xót đã lập mếu thờ và ban lệnh dân phải kiêng đốt lửa trong ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội để tưởng niệm người đã khuất (từ ngày 3/3 – 5/3 âm lịch hàng năm). Từ đó mọi người lấy ngày 3/3 âm lịch hàng năm là ngày Tết Hàn Thực, mục đích tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của người đã khuất.
Đặc trưng Tết Hàn thực của người Việt
Tuy bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn có những sắc nét đặc trưng riêng, mang đậm chất người Việt. Tết Hàn thực của người Việt không liên quan nhiều tới Giới Tử Thôi mà chủ yếu là những món ăn làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều nhớ về tổ tiên, cội nguồn.
Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, mọi người cũng chuẩn bị đồ ăn nấu chín để nguội với lòng thành kính nhằm tưởng nhớ công ơn người đã khuất. Nhưng người Việt không kiêng cử lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Những món ăn trong Tết Hàn thực mang hương vị thanh trong của đất trời. Người Việt đã sáng tạo ra bánh trôi (chè trôi nước), bánh chay tương trưng đó là thức ăn nguội- hàn thực.
Vào ngày này không khí Tết Hàn thực ở các tỉnh miền Bắc đặc biệt là Hà Nội rộn ràng. Mọi người xúm xín làm những viên bánh trôi, bánh chay để cúng. Bánh trôi, bánh chay đều được làm từ nguyên liệu chính là những hạt gạo nếp cái hoa vàng thơm lừng. Cùng với mùi thơm của đỗ xanh, đường mật bên trong, không khí tết trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.
Ngoài bánh trôi, các gia đình cũng chuẩn bị thêm hoa quả và những lễ vật khác theo phong tục cúng kiếng của người Việt. Sau khi bày tất cả lễ vật lên bàn, gia đình thắp hương, cúng gia tiên theo bài cúng Tết Hàn thực được lưu truyền từ ngày xưa.