• Trang chủ
  • Giỗ tổ nghề may cùng làng nghề áo dài truyền thống hơn 1.000 năm tuổi

    Giỗ tổ nghề may cùng làng nghề áo dài truyền thống hơn 1.000 năm tuổi

    0
    692

    Cứ đến ngày 12 tháng 12 âm lịch hàng năm là dân làng Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội), từ người già đến trẻ nhỏ lại náo nức hòa mình vào ngày Giỗ tổ nghề may, tưởng nhớ công ơn bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen đã truyền nghề cho dân làng, hình thành nên một làng nghề may truyền thống nức tiếng trong Nam ngoài Bắc.



    Năm nay, người dân Trạch Xá còn vui mừng hơn khi Nhà thờ Tổ nghề may được hoàn thành nhờ sự đóng góp của người dân địa phương và những người làm nghề may khắp cả nước, muốn tỏ lòng thành kính với người đã gây dựng nên nghề may truyền thống.



    Người dân trong làng luôn ghi nhớ những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian về bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen - thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng với đôi bàn tay khéo léo và yêu thích may mặc đã học được nghề may trong cung vua. Bà đã truyền nghề cho dân làng để rồi nghề may trở thành nghề truyền thống của làng. Sau này, nghệ nhân mới 30 tuổi Tạ Văn Khuất đã vinh dự được may áo cho Nam Phương Hoàng hậu cũng trở thành câu chuyện đẹp, một niềm vinh dự để áo dài Trạch Xá nổi tiếng và vang xa.



    Những bộ áo dài tuyệt đẹp làm nên từ chính đôi bàn tay tài hoa của các thợ may Trạch Xá được những người phụ nữ trong làng mặc trong các nghi lễ Giỗ Tổ.



    Mặc dù trời mưa rét nhưng các nghi lễ tại lễ Giỗ tổ Nghề may vẫn diễn ra trọn vẹn và dân làng cũng như du khách thập phương cũng tụ hội đông đủ.



    Bên trong Nhà thờ Tổ Nghề may được sơn son thếp vàng, cùng bức hoành phi với những câu thơ tôn vinh nghề may truyền thống ở Trạch Xá.



    Những người con làm nghề may tụ hội về Trạch Xá trong ngày Giỗ Tổ (12.12 âm lịch), dâng nén nhang tưởng nhớ bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen. 



    Ông Tạ Đức - Giám đốc Công ty may Cao Minh khu vực phía bắc - thắp hương tại Nhà thờ Tổ Nghề may và cho biết: "Việc gìn giữ và bảo tồn làng nghề là việc nhất định phải làm, chúng tôi sẵn lòng đứng ra bảo trợ cho “dự án bảo tồn và phát triển làng nghề may đo thủ công”. Hướng đi cho việc phát triển của làng nghề là phải kết hợp sự “tinh túy” của văn hóa lâu đời với “kỹ thuật” của văn hóa hiện đại tạo ra một sản phẩm văn hóa đặc trưng dân tộc". 



    Công ty Cao Minh và một số doanh nghiệp đang ủng hộ việc thành lập một “hiệp hội may đo thủ công” để chuyên trách bảo tồn và phong tặng giá trị nghệ nhân.



    Dù lập nghiệp ở bất cứ phương trời nào, người dân làng Trạch Xá luôn yêu quý và gìn giữ nghề như một báu vật mà cha ông đã truyền lại, một nghề mà họ luôn tự hào có thể đem lại cho phụ nữ cái đẹp mãi trường tồn cùng dân tộc, trường tồn cùng năm tháng. 

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815