Theo phong tục truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Nam Bộ thì mâm ngũ quả ngày Tết thường phải có đủ 5 loại: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Tuy nhiên, có nhất thiết phải bày đúng những loại quả này trong ngày Tết?
"Nói đến mâm ngũ quả ngày Tết thì có một quan điểm sai lầm là đầu năm bắt buộc phải có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Mãng cầu là cầu cho được như ý, đu đủ là cầu cho đầy đủ, xoài là xài, sung là sung túc. Hay đầu năm không được cắm hoa ly trong nhà vì đó là chia ly... những vấn đề này đem ra nói đùa, nói vui thì được, còn nếu đem ra làm triết lý sống thì không phù hợp" - Sư thầy Thích Tịnh Giác, Sư Trụ trì chùa Phúc Sơn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ với Một Thế Giới.
Sư thầy Tịnh Giác cho rằng, mâm ngũ quả trưng bày ngày Tết nên tùy duyên, tùy hoàn cảnh. Mỗi gia đình có thể sắm hoa, sắm các loại quả khác nhau, chứ không bó buộc phải đủ 5 loại quả theo truyền thống.
Và thực tế, mỗi vùng miền thì mâm ngũ quả cũng có sự khác nhau. Mâm ngũ quả ở miền Bắc có thể bao gồm các loại quả như: chuối xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt, roi, mận, đào, lê, trứng gà (hay lê ki ma), táo...
Nhưng ở miền Nam, mâm ngũ quả không có chuối, vì theo quan niệm, loại quả này tên gọi có âm giống từ "chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết”…
Vì vậy, mâm ngũ quả ở miền Nam thường bao gồm các loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung".
Còn ở miền Trung thì người dân không quá câu nệ hình thức của mâm ngũ quả mà chủ yếu có gì cúng nấy. Mâm ngũ quả ở miền Trung có thể bao gồm đủ các loại quả ở miền Nam hoặc miền Bắc như chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
"Mâm ngũ quả ngày Tết là nên có, vì nó có sắc, có hương. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chạy theo số lượng, có gì cúng nấy, chỉ cần gọn gàng, sạch sẽ, kinh tế là phù hợp" - Thầy Tịnh Giác nói.
Bàn thêm về quan niệm truyền thống, quan niệm dân gian, Sư thầy Tịnh Giác kể, trước đây cũng có người nói rằng không nên mang hoa hồng đi cúng chùa, vì hoa hồng biểu tượng cho người đẹp, đem đến chùa là bất kính. Nhưng thực tế đó chỉ là quan niệm vui đùa, vì ngày nay các chùa được cúng hoa hồng rất nhiều nhưng vẫn bình ổn. Cho nên với những gì là truyền thống thì cũng không nhất thiết phải "răm rắp" nghe theo mà nên có sự uyển chuyển, sự linh hoạt để sao cho không mất đi hương vị ngày Tết nhưng vẫn phù hợp với thời cuộc.
"Không phải cứ cỗ to, bàn lớn mới là mùa xuân, mới có Tết, chúng ta hãy biết liệu cơm gắp mắm. Kinh tế toàn cầu đang suy sụp thì hãy tiết kiệm. Chúng ta phát triển nhưng cũng hãy đồng hành, chia sẻ với tất cả mọi người" -
Sư thầy Tịnh Giác nói.