Cúng tất niên để chào đón năm mới
Hàng năm, cứ từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, giai đoạn tất cả các gia đình chuẩn bị đón Tết. Dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, giặt giũ chăn gối rèm cửa, đánh bóng lau chùi lư đồng, sắm sửa đồ dùng mới… tất cả được làm trong khoảng thời gian này.
Bài đọc thêm: Tại sao cứ đến 30 Tết chúng ta lại cúng tất niên?
Ở thành phố, không khí Tết bắt đầu khi các chợ bày bán cá chép sống cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Theo phong tục truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên nắm hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, vì vậy để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới nên tất cả gia đình Việt đều đưa tiễn Ông.
Ngay từ buổi sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, hoặc tối hôm trước, các bà nội trợ trong nhà lau chùi sạch sẽ bếp nấu, lau sạch dàn bếp, quét mạng nhện góc bếp…
Cúng Táo Quân gồm có 3 chiếc mũ giấy, gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng (đốt) đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống. Nhưng hiện nay, theo quan điểm mới hạn chế đốt vàng mã, ở nhà chung cư cũng khó có điều kiện thả cá chép, nên các gia đình chỉ bày mâm cỗ và thắp nhang vào buổi trưa ngày 23 tháng Chạp để bày tỏ lòng thành kính.
Lễ vật cúng ông Táo làm to nhỏ, cúng chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình. Mâm cúng mặn (có thể là xôi gà, chân giò luộc, thịt ba rọi luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trái cây, chè, xôi, bánh…) để tiễn Táo Quân. Riêng những nhà có trẻ con, người ta cúng Táo Quân thêm một con gà luộc- gà cồ ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ.
mâm cỗ cúng ông táo 23 tháng chạp
Ngày tết, bàn thờ là tâm điểm của các hoạt động tâm linh, là nơi ngự trị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc phải được chú ý kỹ lưỡng nhất cũng như thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.
Những ngày tết, trên bàn thờ gia tiên bao giờ cũng có mâm ngũ quả (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, bưởi, mặn…), 3 chén nước, bình hoa lớn (thường là hoa cúc, hoa vạng thọ, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào),…. Tuỳ theo phong tục từng Để bàn thờ thêm đẹp mắt, tùy theo phong tục từng miền, có thể chưng bày thêm bánh in, bánh tổ, bánh tét, bánh chưng, mứt, cặp dưa hấu…
Đón ông bà về ăn Tết
Việc đón ông bà về ăn Tết cùng con cháu đón năm mới được bắt đầu từ trưa ngày 30 tết. Nếu gia đình bận rộn có thể đón ông bà vào chiều 30, hoặc đêm giao thừa. Đồ cúng là mâm cơm với các món ngày Tết có con gà và mâm ngũ quả, ngoài ra có các món khác như thịt kho, canh khổ qua, canh măng.
Những ngày tiếp theo, hàng ngày đều có cúng cơm cho đến hết Tết, đến khi làm lễ tiễn ông bà (lễ hóa vàng) thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày Tết mới được coi là đã hoàn tất. Trong những ngày này, nhang đèn luôn thắp sáng để thể hiện lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên. Cùng với nghi thức đón ông bà, những gia đình hay công ty sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên, nên còn gọi là cúng tất niên.
Cúng tất niên cuối năm
Ở gia đình, mâm cúng tất niên được thực hiện vào ngày 30 hoặc 29. Lễ vật cúng tất niên thường là mâm cơm canh mặn (hoặc chay) mâm ngũ quả,… tuỳ vào từng gia đình. Đối với công ty, lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày làm việc cuối cùng. Lễ vật cúng bao gồm trái cây, hoa, nhang, đèn, gạo muối, gà luộc hoặc heo quay, xôi chè,… Cúng xong mọi người cùng hưởng lộc, chúc nhau có Tết thật ấm áp bên gia đình.