Ba - một người đàn ông luôn là người dõi mắt theo con cái dần lớn lên, ít khi lên tiếng dạy dỗ thường xuyên như mẹ, nhưng một khi Ba đã lên tiếng thì không còn lời nào phải cãi mà khâm phục triệt để.
Với con gái, Ba là tất cả, và là người đàn ông đầu tiên trong con lòng của con gái mà
Chiều cuối tuần, anh nhắn tin cho vợ: “Hai mẹ con mặc đồ cho đẹp nhé, lát nữa ba về dẫn đi ăn nhà hàng”. Vợ ngạc nhiên: “Nhân dịp gì đấy?” - “Chẳng dịp gì cả. Anh muốn đưa con đi ăn chỗ sang một chút”.
Đi ăn năm sao nào !
Chị hỏi ngay, sao anh lại vẽ vời thế. Lâu nay cuối tuần hai vợ chồng chị vẫn dẫn cô con gái 8 tuổi đi chơi, rồi ăn kem, ăn gà rán, hay cơm gà là những món con thích, chứ có phải không cho con ăn tiệm đâu. Anh nhắn lại: “Không hỏi nữa. Anh bắt đầu về đây”.
Khi hai mẹ con đã chỉnh tề thi anh cũng về đến nhà, trên người vẫn còn nguyên bộ vest mặc đi tiếp khách lúc chiều. Anh ngăn lại khi chị định dắt xe máy ra: “Đi taxi nào”. Rồi anh kéo cả nhà đến một trong những khách sạn 5 sao lộng lẫy nằm ngay giữa trung tâm thành phố.
Dù đã vài lần đi ăn tiệc ở những chỗ sang trọng, nhưng lần này chồng trả tiền nên chị cứ lật đi lật lại mãi cuốn thực đơn mà vẫn chưa gọi được món. Anh mỉm cười, giành lấy công việc đó. “Chả phải sinh nhật, chả có dịp gì đặc biệt, vào đây làm gì cho tốn tiền vậy anh?” - chị thì thào khi người phục vụ vừa quay lưng đi.
“Tất nhiên nhà mình không dư dả đến mức thường xuyên đi ăn ở những chỗ thế này, nhưng một năm cũng nên đưa con đi một hai lần. Em có thấy là con gái đã lớn không?” - anh hỏi. “Thì sao?” - chị hỏi lại. “Thứ nhất, đây là dịp để con được thưởng thức những món ăn đặc biệt khác với những món con ăn hằng ngày. Thứ hai, đây là dịp để hướng dẫn con cách thức ăn uống khi đến những chốn sang trọng để con có đi dự tiệc cùng ba mẹ, hoặc sau này con lớn sẽ không vụng về lóng ngóng. Và thứ ba, để phòng xa, sau này có chàng nào dẫn con đến những chỗ thế này thì con cũng không đến nỗi choáng ngợp... vì bữa ăn mà quên đi những nhược điểm của chàng ấy chẳng hạn!” - anh cười. Dẫu vẫn không khỏi tiếc rẻ khi nhẩm tính chi phí cho bữa tối, nhưng chị cũng phải thừa nhận, anh có lý.
Mạnh mẽ lên, con gái !
Thường thì việc chăm sóc và dạy dỗ con gái hằng ngày anh để chị tự quyết, nhưng thỉnh thoảng anh lại có những “chương trình giáo dục” riêng dành cho cô con gái cưng theo quan điểm của anh.
Chẳng hạn, khi con lên 6 tuổi, anh bảo sẽ cho con tập một môn thể thao nào đó để vừa rèn luyện thể lực, vừa tăng cường tính cạnh tranh cho con, và anh chọn tennis. “Con gái chơi tennis bắp tay và bắp đùi sẽ to đó” - chị phản đối. Anh lắc đầu: “Vận động viên chuyên nghiệp mới to thôi. Con mình tuần tập có hai ba buổi mà lo cái gì. Nó sẽ săn chắc, rắn rỏi hơn”. “Nhưng mà con dang nắng nhiều da sẽ bị đen, xấu lắm” - chị tiếp tục. “Tập vào buổi chiều sau giờ học ở trường, mẹ khỏi lo nhé. Mà con gái tập thể thao có nước da sô cô la nhìn mới hấp dẫn”. Thế là từ đó ba đưa con gái đi tập, con bé có vẻ rất thích thú.
Nghĩ lại, chị thầm cám ơn anh đã dạy con những thói quen tốt dù anh không gần gũi con nhiều như chị. Chẳng hạn, không ít lần anh chạy xe về nhà giữa lúc trời mưa như trút nước, vì hứa với con đúng giờ đó sẽ về, hay đã hứa đưa con đi chơi, thì dù bận thế nào cũng thu xếp đưa con đi, qua đó nói cho con hiểu đã hứa thì phải giữ lời hứa. Chị hay dễ dàng đầu hàng khi con gái khóc lóc mè nheo, nhưng anh kịch liệt phản đối chuyện đó. “Nước mắt là phương tiện cuối cùng để đạt được thỏa thuận của người yếu thế, ba không muốn con dùng nó” - anh bảo. Con gái tròn xoe mắt nhìn ba, chị không biết nó có hiểu ý ba nó không, nhưng dần dần nó cũng bớt mít ướt.
Nhưng cũng có lần con gái nhìn thấy ba khóc. Đó là vào ngày đám tang ông nội. “Sao ba khóc?” - nó hỏi. “Ba buồn vì từ nay ba sẽ không còn nhìn thấy ông nội nữa” - anh giải thích. “Vậy là ba cũng yếu đuối, đúng không?”. “Không phải lúc nào nước mắt cũng là biểu hiện của sự yếu đuối con ạ”. Con bé ngẩn ra, rõ ràng câu trả lời của ba nó làm nó bối rối.
Anh lau nước mắt: “Rồi, từ từ ba sẽ giải thích cho con...”.
Xuyên Vân