Các chuyên gia nói về ngày giờ đưa ông Táo về trời
Ngày 23 tháng 12, Người Việt cúng đưa ông Táo về trời, chuẩn bị chào đón năm mới đến. Nhiều người quan niệm, nên cúng ông Công ông Táo sớm để ông lên trời báo cáo thành tích sớm thì sẽ được lộc nhiều hơn. Quan niệm này đúng hay sai?
Tập tục cúng ông táo. Ảnh minh họa
Theo ông Trường Thịnh - nguyên cán bộ Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia cho biết, dân gian ta có câu "trần sao, âm vậy" nên trước tình trạng ở trần gian hay kẹt xe, thời tiết mưa gió thất thường... nên đã "chế tác" ra chuyện cúng lễ trước ngày để ông Táo nhà mình đi trước lên thiên đình tâu trước, đến muộn mất thiêng, mất lộc. Theo khía cạnh khoa học cả về phần âm và phần dương thì điều này là chưa đúng, "cúng sai ngày thì chỉ được cái tâm của gia, không được cái linh ứng là Phúc - Lộc - Thọ".
Theo ông phân tích, ngày Âm Lịch là theo mặt trăng, ngày Dương Lịch là theo mặt trời. Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng là 3 hành tinh ảnh hưởng trực tiếp đến con người cũng như thời tiết. Trái Đất quay quanh mặt trời theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ, 1 vòng khép kín hơn 365 ngày. Lấy đó làm Lịch Dương (Lịch theo Mặt Trời). Ba hành tinh Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất có thời điểm sẽ ở trên một đường trục. Thời điểm đó trong ngày được tính từ giờ Tý đến giờ hợi. Chệch thời điểm đó không phải là ngày đó nữa mà là ngày khác. Hơn nữa, hiện nay khoa học kỹ thuật cũng xác định được: Quỹ đạo và chu kỳ của Mặt Trăng và Quả đất mà tiên đoán chính xác về Nhật thực và Nguyệt thực.
Đọc thêm: Tại sao ông Táo về trời bằng cá chép?
Lịch âm tính dựa sự chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng. Đó là ngày mà Trái Đất và Mặt Trăng ở quỹ đạo vô, hình lặp đi lặp lại... từ xưa đến nay, không hề thay đổi. Từ xưa đến nay con người đã theo quy luật của "Quỹ đạo vô hình" này mà dự đoán được Nhật thực, Nguyệt thực, sao Chổi khi nào, ở đâu thì "thấy nó"... Đến ngày mùng Một, rằm, ngày Tết, Rằm tháng Bảy "xá tội vong nhân", ngày 23 tháng 12 là ngày đưa ông Táo "chầu Trời"... đến ngày cúng giỗ của người chết... Tháng sau - tháng trước, năm trước - năm sau... đến ngày đó thì Trái Đất - Mặt Trăng lặp lại.
Từ xưa đến này, người phương Đông quy định ra thủ tục cúng lễ, giỗ, Tết vào các ngày đó từ giờ Tý đến giờ Hợi. Việc cúng trước, cúng sai ngày chính là chệch quỹ đạo thì tâm nguyện của ta với ngày đó không còn giá trị nữa.
Ngày 23 tháng 12 theo cổ nhân là ngày "mở cổng trời" tức là thời điểm 3 hành tinh: Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất ở trên một quỹ đạo nào đó. Vì vậy, nên cúng đúng ngày là tốt nhất.
Theo ThS Vũ Đức Huynh, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, không phải ngày nào tổ chức cúng lễ cầu ông bà, tổ tiên và thần linh cũng được toại nguyện. Thậm chí, ngày tổ chức tế lễ, cúng bái không phù hợp còn gây họa cho gia đình. Nghĩa là không phải bất cứ ngày nào cầu cúng lễ bái cũng được, cũng phù hợp nên phải chọn ngày và cúng đúng ngày. Bởi các ngày như rằm, mồng 1... là ngày thân xác được về cửa quan, thiên quan hay về hạ giới... nên nếu cầu cúng thì mới "tiếp nhận được", cầu cúng sai gây xáo trộn âm dương, không có lợi.
Theo ông, người và vong hồn, vong linh, luôn có mối quan hệ giao thức sóng, có cùng nguồn gốc tần số xung động nào đó của các hạt điện sinh học. Những vong yếu thì dù muốn tạo xung kết đến người thân thì cũng không được. Do đó, cúng lễ là một hình thức cung cấp nguồn năng lượng mạnh làm vong hồn có năng lực phát huy tương tác cộng hưởng với người thân. Nhưng việc cúng lễ không phải là mâm cổ cao đầy, long trọng là được mà là sự thành tâm.
GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, con người sau khi chết sẽ sống ở thế giới khác cao hơn, tốt đẹp hơn và vẫn làm các công việc của mình giống như mọi người ở trần gian. Vì vậy, họ cũng có thời gian cụ thể cho từng công việc, chúng ta không nên nên làm xáo trộn công việc của họ.