Theo ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam một trong những cơ hội hiếm có mà họ bộc lộ hoàn toàn bản chất, dã tâm ra bên ngoài
Sáng 13/5, chúng tôi đến gặp ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ở căn phòng làm việc quen thuộc của ông tại Sở Nội vụ Đà Nẵng. Tuy đã chính thức về hưu hôm 5/5 nhưng ông vẫn còn tiếp tục một số nhiệm vụ của công tác Đảng tại Sở Nội vụ và làm chuyên gia tư vấn cho một số chương trình, đề án về cải cách hành chính, mô hình chính quyền đô thị… của TP Đà Nẵng.
Ông Đặng Công Ngữ "săm soi" biểu tượng Hoàng Sa được KTS Trần Phước Hòa Bình (Sở Xây dựng Đà Nẵng) thiết kế theo ý tưởng của ông (Ảnh: HC)
Khi chúng tôi vào thì ông Đặng Công Ngữ đang “săm soi” một biểu tượng vừa quen lại vừa lạ. Ông cho biết, đó là biểu tượng về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với chữ S màu đỏ và ngôi sao vàng tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam. Trên nền “cờ đỏ sao vàng” ấy có cột mốc mô phỏng theo cột mốc chủ quyền của Việt Nam được dựng lên trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1938, và những ngọn sóng nối từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa.
“Biểu tượng nhằm thể hiện rõ Hoàng Sa là của Việt Nam trong tư duy toàn cầu. Ý tưởng về biểu tượng này là của tôi, còn người thiết kế cho trở thành một biểu tượng duyên dáng, mềm mại là KTS Trần Phước Hòa Bình (Sở Xây dựng Đà Nẵng). Chúng tôi thực hiện biểu tượng này trong vòng 2 ngày trước khi tôi bàn giao nhiệm vụ Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng và Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho người kế nhiệm. Thực ra trước khi về hưu, tôi cũng muốn có cái gì đó tặng lại cho UBND huyện Hoàng Sa, và đây là cái có ý nghĩa nhất, canh cánh trong lòng mình từ rất lâu rồi!” – ông Đặng Công Ngữ tâm sự.
Đây quả là một “diễn biến” bất ngờ trước khi chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn đã hẹn trước với ông Đặng Công Ngữ về vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng biển Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam mà trong đó UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) được giao nhiệm vụ quản lý. Và từ diễn biến “ngoài dự kiến” nay, câu đầu tiên chúng tôi hỏi ông Đặng Công Ngữ là chuyện ông về hưu:
Ông về hưu đúng ngay vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng biển Hoàng Sa. Những ngày qua ông thấy trong lòng mình thế nào?
Ông Đặng Công Ngữ: Đây không phải chuyện một cá nhân nào mà là cả dân tộc. Tôi về quê, đa số người dân chỉ có phương tiện duy nhất để nắm bắt thông tin là nghe đài chứ ít tiếp cận được với báo chí, internet… nhưng vẫn rất sôi sục. Họ hết sức giận dữ, bất bình trước hành động phi pháp của Trung Quốc. Đó là cái chung. Còn với cá nhân tôi, cũng như bao nhiêu người khác, đều thấy việc làm của phía Trung Quốc quá sức ngang ngược, phi pháp khiến cho ai cũng căm phẫn và càng dấy lên trong lòng mình tình yêu nước.
Theo quan sát của ông, một người đã dày công nghiên cứu và thường xuyên nắm bắt mọi diễn biến liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với biển, đảo Hoàng Sa thì cách thức mà các lực lượng chấp pháp Việt Nam thực thi trong những ngày qua nhằm ngăn chặn hành động phi pháp của Trung Quốc cho thấy họ bị động, bất ngờ hay đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó thích hợp với những tình huống như thế?
Ông Đặng Công Ngữ: Cái này thuộc tầm cỡ quốc gia, nhưng tôi nghĩ Việt Nam đã có chiến lược về biển, về quốc phòng an ninh. Đứng cạnh một người dù mình không chọn lựa, đã có lịch sử lâu đời với những chuyện không hay xảy ra trước đó, và hiện tại sống trong xu thế thời đại quốc tế hòa bình, hữu nghị nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ về xâm lấn lãnh thổ, nguy cơ lật đổ… mà vẫn phải coi là láng giềng – đây là điều mà nhiều nước phải đối mặt – thì tôi nghĩ Việt Nam không phải quá sức bất ngờ về chuyện giàn khoan HD-981.
Khi sự cố xảy ra thì mình đã có những tiếng nói, hành động kịp thời trên biển, trên công luận trong và ngoài nước, và phù hợp với từng thời điểm. Theo công ước quốc tế về luật biển, tàu bè được quyền đi lại tự do trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước, nhưng khi họ dừng, họ đặt, họ khai thác thì phải tuân theo quyền chủ quyền, tức là phải xin phép nước đó. Khi Trung Quốc kéo giàn khoan đi trên biển thì mình chỉ có thể theo dõi thôi, chỉ khi họ đặt, cắm thì mình mới có quyền đuổi. Tôi nghĩ cách thức mà các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực thi trong những ngày qua là chủ động, kịp thời, đã có những bước tính toán thích hợp chứ không phải là hoàn toàn bất ngờ, bị động.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN 24 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về vụ giàn khoan HD-981 và sau đó hội nghị đã ra tuyên bố chung về tình hình trên biển Đông. Ông nhận định như thế nào về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như tuyên bố chung của ASEAN?
Ông Đặng Công Ngữ: Theo tôi, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đạt được 3 mục đích. Thứ nhất là với người dân trong nước, người đứng đầu Chính phủ đã tỏ rõ thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tôi cho đó là chỗ dựa cho cả dân tộc trong cuộc đấu tranh này, thể hiện được ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam là rất yêu chuộng hòa bình nhưng không để bất cứ ai xâm lấn lãnh thổ của mình. Đây là một thông điệp rõ ràng gửi đến toàn dân, và tôi nghĩ sau bài phát biểu này, mọi người đều sẽ tự tin hơn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vấn đề chủ quyền biển, đảo.
Thứ hai là mình đã đưa vấn đề ra một tổ chức quốc tế khu vực là ASEAN, hiện nay là một tổ chức có uy tín, có quan hệ với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế khác trên thế giới. Mình đưa ra được diễn đàn quốc tế khu vực để tạo nên tiếng nói chung, và từ khu vực này mà nhân ra nhiều hơn cho cộng đồng trên trường quốc tế. Đây là bước đầu tiên để chúng ta thực hiện việc này và tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt khi cộng đồng quốc tế đã có sự ủng hộ để mình làm những bước tiếp theo.
Qua bước đầu tiên này cũng thử thách tinh thần đoàn kết của ASEAN và điều đó đã được thể hiện qua việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khối ra tuyên bố riêng về việc tranh chấp trên biển Đông, rồi nguyên thủ của tất cả các quốc gia Đông Nam Á ra tuyên bố chung, tuy không nêu đích danh bên nào gây hấn nhưng vẫn chỉ ra một biện pháp cần phải tiếng hành ngay là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển COC để tránh xảy ra những trường hợp tương tự. Tôi nghĩ đây là một khuyến nghị đúng lúc.
Thứ ba là với nhân dân Trung Quốc. Mặt dù bộ máy truyền thông Trung Quốc đang ra sức xuyên tạc sự thật nhưng chúng ta đã đưa ra được những hình ảnh tàu hải giám, tàu hải cảnh, thậm chí tàu quân sự của họ tấn công các tàu công vụ, tàu dân sự của ta bằng vòi rồng, bằng đâm húc làm hư hại tàu thuyền và khiến nhiều người bị thương.
Theo ông Đặng Công Ngữ, vụ giàn khoan HD-981 là một trong những cơ hội hiếm có mà Trung Quốc bộc lộ hoàn toàn bản chất, dẫn tâm của họ ra bên ngoài! (Ảnh: HC)
Tôi nghĩ những hình ảnh ở trên thì máy bay, ở dưới thì tàu chiến đã chứng minh rõ bản chất vấn đề khiến nhân dân Trung Quốc phải thấy rằng, dù nhà cầm quyền Trung Nam Hải tuyên truyền thế này, thế kia song rõ ràng việc gây hấn của Trung Quốc không phải là giải pháp tốt, trong khi Việt Nam luôn đưa ra hướng để giải quyết với họ là hòa bình, hữu nghị trên cơ sở luật pháp quốc tế. Từ đó mà nhân dân Trung Quốc có cơ sở để bóc trần thái độ hung hăng của nhà cầm quyền nước mình, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả khu vực. Điều đó sẽ rất bất lợi đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Thái độ của lãnh đạo và các lực lượng chấp pháp của Việt Nam như vậy là đã rõ, còn ông thấy thái độ của người dân trong những ngày qua như thế nào?
Ông Đặng Công Ngữ: Như tôi đã nói ở trên, thái độ của người dân là hết sức căm phẫn. Tôi khẳng định điều đó. Ví dụ như các em học sinh tại các trường ở Hà Tĩnh, Cần Thơ… trong buổi chào cờ biểu thị quyết tâm rất cao bằng cách xếp hình người thành bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một cách làm rất sáng tạo, rất văn minh, có tính đấu tranh cao và rất hợp với xu thế hòa bình.
Để biểu thị được ý chí toàn dân thì phải tạo được sức mạnh tổng hợp chung. Vì vậy tôi cho rằng các tổ chức mặt trận, đoàn thể cần mạnh dạn tổ chức những diễn đàn, những cơ hội thật sự văn minh cho người dân thể hiện sự căm phẫn, ý chí quyết tâm và lòng yêu nước của họ. Có như vậy mới tạo được sự cảnh báo với nước ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc, để họ thấy được sức mạnh toàn dân tộc của Việt Nam, chứ hoàn toàn không phải là những phản ứng đơn lẻ.
Có ý kiến cho rằng để thể hiện lòng yêu nước thì nên bằng những hành động cụ thể chứ không nên chỉ là bằng sự hô hào suông?
Ông Đặng Công Ngữ: Đúng, phải bằng hành động cụ thể. Tôi nói ví dụ, trong việc chuẩn bị lực lượng phòng vệ, người dân biểu thị lòng yêu nước đâu cứ phải lúc nào cũng xung phong đánh nhau, mà cái chính là tạo sức mạnh tinh thần cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ, các ngư dân ra đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa cảm nhận được họ có một sự hậu thuẫn hùng hậu của 90 triệu dân phía sau lưng, luôn luôn ủng hộ, hỗ trợ họ.
Mình phải biểu thị quyết tâm đó để khơi dậy tinh thần các anh cảnh sát biển, các kiểm ngư viên, các ngư dân. Vừa rồi có các kiểm ngư viên dù bị thương vẫn quyết tâm ở lại làm nhiệm vụ vì họ tin tưởng phía sau lưng họ có sự hỗ trợ. Ngư dân vẫn tiếp tục ra biển là vì niềm tin đó. Nhưng tôi nghĩ chừng đó vẫn chưa đủ. Phải làm nhiều thêm nữa để đảm bảo điều kiện cho họ hoạt động. Mình đang ở trong một cuộc đấu tranh thì phải thể hiện tinh thần đấu tranh. Chính phủ chưa yêu cầu việc sử dụng lực lương thì người dân có thể đóng góp vật chất để động viên những người ra tuyến đầu và gia đình họ ở hậu phương.
Bên cạnh đó, cần mở những cuộc biểu tình, mittin vận động ở bên ngoài lãnh thổ, kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh việc tuyên truyền cho thế giới hiểu rõ hơn nữa chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh này. Đấy là biện pháp đấu tranh hòa bình và cũng rất cần sự hỗ trợ của người dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.
Và sự đóng góp cao nhất của người dân lúc này, theo tôi, là phải hết sức bình tĩnh, không manh động theo kiểu đập phá này nọ. Nếu bây giờ mình manh động là không “ăn”. Trước một đối tượng nham hiểm, thâm độc thì mình phải rất kiềm chế, rất khôn ngoan, chứ không thì sẽ rất dễ mắc bẫy.
Xin hỏi ông câu cuối cùng, trong vụ giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, điều mà ông cảm thấy dồn nén nhất, muốn đề xuất nhất là gì?
Ông Đặng Công Ngữ: Tôi cho đây là một cơ hội, một trong những cơ hội hiếm có mà Trung Quốc đã thể hiện hoàn toàn bản chất ra bên ngoài. Một đằng thì họ nói sẽ “trỗi dậy hòa bình”, nhưng một đằng lại trắng trợn xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam. Dã tâm của họ bộc lộ rất rõ qua vụ giàn khoan HD-981.
Và từ lâu nay mình cứ song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Phía họ cũng áp dụng thủ thuật đàm phán song phương trên vấn đề biên giới, lãnh thổ. Nhưng lần này mình đã vượt ra ngoài những ràng buộc song phương để đưa được vấn đề ra khu vực và trên toàn thế giới.
Từ hai yếu tố đó, tôi nghĩ đây là một cơ hội mà chúng ta nên tận dụng để đòi lại Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974, một phần Trường Sa bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1988. Đương nhiên vụ giàn khoan là một sự kiện mang tính thời điểm, nhưng chúng ta không chỉ nói đơn lẻ cái này mà nên thấy chuỗi dài sự kiện để nói với quốc tế rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của chúng ta là phi pháp ngay từ 40 năm về trước.
Tất nhiên mình đấu tranh để đòi lại những gì Trung Quốc đã cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam là bằng luật pháp quốc tế. Mình đã có những bằng chứng lịch sử tương đối đầy đủ, và mình ở phía chính nghĩa. Theo quy định của luật pháp quốc tế thì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, họ xâm chiếm là họ sai. Hiện nay quốc tế đương ủng hộ chúng ta. Luật pháp đương ủng hộ chúng ta. Chính nghĩa đương ửng hộ chúng ta. Nên đây là cơ hội mà chúng ta nên tận dụng cho thật rốt ráo!
Xin cám ơn ông!
(Theo Infonet)