• Trang chủ
  • Tại sao Sensory Play lại quan trọng?

    Tại sao Sensory Play lại quan trọng?

    0
    2348

    Thi thoảng tôi post các tấm ảnh con gái mình chơi cát, hạt khô, chơi với thức ăn, hay chơi với bút vẽ để gương mặt choe choét màu thì hay nhận được các comment không biết liệu nó có …ăn không? Như vậy thật nguy hiểm. Cái trò đó trông bẩn bẩn quá và cả những ý kiến về việc chắc mẹ quá rảnh để bày vẽ các trò vô bổ vô phạt này.


    Sự thực là, các trò chơi thuộc về giác quan có thể được ví như thức ăn cho trí não.


    Xem thêm: Thực đơn khi mang thai của mẹ Việt ở Hà Lan để 3 lần sinh con đều nặng gần 3,7kg

    Nếu như người lớn nhờ công việc hàng ngày để “não không phẳng” thì trẻ con, cũng cần các hoạt động vui chơi để chúng “lớn” hơn cả thể chất lẫn trí tuệ. Theo như Maria Montessori – Nhà giáo dục người ý với phương pháp giáo dục tiên tiến mang tên bà thì vui chơi là một trong những “công việc hàng ngày” của bọn trẻ ( Play is the work of the child), và sensory play là “một dạng thức ăn bổ dưỡng” dành cho các bé, để bé " làm việc" được năng suất và hiệu quả hơn.



    Sensory Play là gì?


    Hiểu một cách đơn giản, Sensory play là các trò chơi thúc đẩy các bạn nhỏ sử dụng một hoặc nhiều hơn các giác quan của chúng như nhìn, nghe, ngửi, sờ, nếm…Việc sử dụng nhiều giác quan khi thực hiện trò chơi sẽ giúp trẻ được thỏa sức khám phá, tăng cường các kỹ năng, sự nhạy bén cũng như phát huy được sự sáng tạo tìm tòi của trẻ


    Ngay khi chào đời, mỗi đứa trẻ đều có bản năng khám phá thế giới xung quanh nó thông qua các giác quan. Đó là lý do vì sao mà các bé dưới một tuổi rất thích sờ nắm, và đặt bất kể thứ gì cho vào mồm chúng. Các bé khi biết bò thì xục xạo mọi ngóc ngách để tìm hiểu. Thay vì giới hạn không gian khám phá của con, tôi vẫn luôn tạo cho con không gian với giới hạn an toàn để con thỏa sức khám phá. Thay vì mua thường xuyên các trò chơi sẵn có, tôi cũng thường tìm hiểu thông tin trên mạng về các trò Sensory play phù hợp từng giai đoạn phát triển của con để hai mẹ con cùng chơi và ghi lại nhật ký bằng ảnh những khoảnh khắc rất hào hứng đó của con.



    Sensory Play chỉ giúp phát triển xúc giác và gồm các trò chơi đơn điệu?


    Nhiều người vẫn lầm tưởng sensory play chỉ gồm các trò liên quan đến xúc giác ( sờ, cầm, nắm…) của con, ví dụ như trò xúc cát, đổ nước vào bình, trò đất nặn…??? Thực sự, sensory play không chỉ bao gồm phát triển xúc giác mà còn phát huy các giác quan khác. Chỉ đơn cử, trò chơi khám phá đại dương tôi bày cho con chơi, việc tiếp xúc các nguyên liệu đa dạng ( gel màu, sỏi, các loại cá bằng nhựa, nước…) với màu sắc sinh động là một cách phát huy thị giác ( khi nhìn các đồ vật di chuyển dưới nước), thính giác ( khi nghe các âm thanh mà đồ vật rơi tõm xuống), vv…Đặc biệt, trò chơi còn giúp con có sự kiên nhẫn tỉ mỉ khi ngồi sắp đặt từng viên sỏi vào hộp, giúp con sự khéo léo khi đặt các bạn cá không ngã…



    Sensory play có rất nhiều dạng để mẹ có thể chơi cùng bé:


    - Các dạng trò với đất nặn ( Có thể kết hợp các nguyên liệu khác nhau cùng đất nặn như nặn hình rồi lăn qua...gạo...)


    - Chơi cùng hộp ( nhắm mắt tìm đồ vật bằng tay...)


    - Các dạng trò nghệ thuật ( vẽ tranh bằng ngón tay của trẻ, vẽ hình trên lớp bột mì…)


    - Dạng trò khoa học và khám phá ( Trò chơi đại dương trong hộp…)


    -       ....


    Các lợi ích của trò Sensory play?


    Phát triển được các giác quan của trẻ.




    • Giúp trẻ tăng khả năng ngôn ngữ: Việc giải thích cho con cách sử dụng, các “từ mới” tương ứng các đồ vật, nguyên liệu khi chơi giúp trẻ có một “kho” từ phong phú hơn. Ngoài ra, cách dạy qua thực tế giúp trẻ nhớ lâu hơn. Như trò vẽ màu, dùng tay con chấm từng màu, những đốm màu xinh lấm chấm trên tay con thật rực rỡ, chưa kể sự man mát của màu khi đọng ở đầu ngón tay sẽ khiến bé rất “nhạy” , từ đó gọi tên từng màu là một cách học qua chơi rất vui

    • Rèn luyện tính kiên nhẫn. Ví dụ, nếu như bạn mua cho con 1 đồ chơi phát nhạc sẵn thì con chỉ việc bật nút là xong. Nhưng với các dạng trò sensory play, con là một thành phần quan trọng để tạo nên trò chơi đó và nhiều khi phải qua các khâu trò chơi mới hoàn thành Ví dụ như trò chơi Tấm nhặt cúc áo, bạn Sò phải tự mình đổ cúc ra sàn, nhặt vào từng lọ với các miệng lọ khác nhau và đậy nắp lại thì mẹ mới cho…nghe nhạc trên ipad chẳng hạn^^

    • Phát huy khả năng sáng tạo: Khi trẻ là một phần tạo nên trò chơi thì con sẽ có các góc nhìn rất sinh động để sắp đặt/ để chơi trò đó theo cách của riêng mình.

    • Tăng khả năng tương tác: Khi con chơi cùng bạn, cùng mẹ, hoặc thậm chí chơi cùng búp bê, các "bạn" đồ chơi ( cá...)...thì việc trò chuyện trong quá trình chơi cũng là cách để "hai bên" hiểu nhau hơn.

    • Tăng sự suy nghĩ của trẻ. Một đồ chơi quá đơn giản sẽ khiến trẻ không có "cơ hội" để suy nghĩ nhiều thêm. Với các dạng trò sensory play, bé phải "động não" để chơi hơn. Ví dụ trò chơi với cúc áo ( dụng cụ này được phương pháp giáo dục Montessori đưa vào giảng dạy) thì bé phải suy nghĩ xem cách luồn chỉ vào cúc cho thật khéo, hay đặt các chiếc cúc thành 1 hàng dài ngay ngắn để làm thành đoàn tàu.


    Như vậy, sensory play không chỉ được biết đến với các dạng trò "bày bừa", "lộn xộn", " bẩn bẩn, nhem nhuốc" mà còn có rất nhiều tác dụng với trẻ em. Rất nhiều trường mầm non ở nước ngoài đưa các trò Sensory Play vào chương trình đào tạo.


    Bài viết tới, mình sẽ chia sẻ thêm các thông tin về sensory play ( Các trò Sensory Play đơn giản để chơi tại nhà, Sensory Play cho từng lứa tuổi, Những lưu ý về trò Sensory Play để con chơi không nguy hiểm...)


    Hy vọng thêm nhiều em bé được mẹ cho trải nghiệm các trò chơi dạng này!

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815