• Trang chủ
  • Những phong tục trong lễ giao thừa

    Những phong tục trong lễ giao thừa

    0
    1812

    Những phong tục trong lễ giao thừa hàng năm


    Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu hay kết thúc cũng là lúc giao thừa. Theo từ điển Hán Việt, giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hằng năm vào lúc chuyển giao năm cũ năm mới có lễ trừ tịch. 



    Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ với ý nghĩa đem bỏ những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", được cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa. 



    Cúng ai trong lễ cúng giao thừa 


    Theo truyền tụng, mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời bởi các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. 



    Sửa lễ cúng giao thừa 


    Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Đến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà. 


    Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa. 


    Tục lệ trong đêm trừ tịch 


    Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình. Nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm. Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm. 
    Hái lộc: Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất thần, Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. 


    Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm vào bình hương bàn thờ nhà mình. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật phù hộ cho được phát đạt quanh năm. 
    Xông nhà: Thường người ta kén một người dễ vía trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và người này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía, người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mùng 1 đến xông nhà trước khi có khách tới chúc Tết.


    Nguồn: vietcadao.com

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815