Đến những vườn rau VietGAP ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP HCM), chúng tôi chứng kiến công nghệ phun, tắm để đạt tăng trưởng siêu tốc cho các loại rau bằng đủ loại hóa chất không rõ nguồn gốc.
Về vùng chuyên canh rau tại huyện Củ Chi (TP.HCM), nơi mỗi ngày cung cấp cho thị trường TP HCM và các vùng lân cận hàng trăm tấn rau các loại, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến những vườn rau VietGAP nhưng lại được “tắm” đủ các loại thuốc BVTV...
Rau “tắm” cả chục loại phân, thuốc
Chỉ bán, không ăn!
Chạy dọc theo tuyến đường xuyên Á hướng về tới huyện Củ Chi, khi vừa rẽ vào khu vực trồng chuyên canh rau của xã Tân Phú Trung, chúng tôi đã ngửi thấy nồng nặc mùi hôi của các loại phân, thuốc từ các vườn rau lan tỏa khắp nơi.
Dù đang giữa trưa nắng nóng như đổ lửa nhưng trên những vườn rau xanh mướt, nhiều chủ vườn vẫn đang lúi húi chăm bón, cắt tỉa và nhổ rau cho kịp chợ.
Tôi ghé vào thăm vườn rau của một người quen ở xã Tân Phú Trung đang thời điểm thu hoạch. Vừa thấy khách quen lâu ngày mới gặp, anh N, chủ vườn vội ngưng nhổ rau chạy ra đon đả: “Vào nhà đi, cũng đến bữa rồi đợi mình chạy kiếm chút mồi về rồi nhậu nghe”.
Tôi liền bảo: “Thôi, chỉ cần cho ăn bữa rau no là được rồi”.
N ngần ngại lắc đầu: “Không được đâu, rau này trồng để bán chứ không ăn được”.
Tôi thắc mắc: “Sao nhà trồng rau mà không dám cho ăn?”. “Vì rau mới phun hồi đêm để chiều kịp nhổ bán chợ”, N nói.
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao vừa phun thuốc xong mà bán ngay không sợ người ta ăn rau bị ngộ độc à?”.
“Ở đây ai mà chẳng thế, cứ bữa nào thấy rau giá cao thì dù mới phun cũng về nhổ bán hết chứ để chờ cách ly đúng, đủ có mà húp cháo cả nhà!”, N phân trần.
Nghe ớn lạnh, nhưng tôi vẫn bảo: “Vậy, lúc về nhớ chọn nhổ cho ít rau sạch về nhà ăn nhé”.
N lắc đầu ngoay ngoảy: “Thôi, để hôm khác đi, bữa nay rau gì cũng phun để bán, không ăn được đâu”. Nói rồi, N nhảy lên chiếc xe chuyên chở rau hàng ngày phóng vụt đi mua mồi nhậu.
Lúc này tôi mới để ý ngôi nhà lá của gia đình N chỉ rộng chừng 20 m2, nằm giữa vườn rau, bên hông nhà ủ một đống phân gà bự như đống rơm, những vỏ bao phân, thuốc vứt bừa bãi dưới nền đất, mùi hôi bốc lên nồng nặc đến ngạt thở.
Trên vườn, những liếp rau cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau dền… xanh mướt tốt um đang chờ đến ngày ra chợ.
Khoảng 15 phút sau, N đã phóng xe về trên tay cầm cả mớ đồ nhậu rồi vào bếp chỉ xử lý một nhoáng mâm mồi đã dọn lên chiêu đãi khách.
Vừa đặt mâm xuống chiếu N đã phải cầm quạt phành phạch xua đuổi lũ ruồi nhặng đang bay vù vù bâu kín xung quanh.
Tôi để ý mâm cơm toàn tôm, cá, thịt, trứng… nhưng không hề có món rau nào, thậm chí N cũng chẳng dám ra cắt một cọng rau xanh trong vườn vào để nhúng lẩu.
Thấy tôi nhắc mãi, N đành phải chạy sang vườn nhà kế bên xin được ít rau muống tạm cho là sạch vì họ trồng riêng vào một góc vườn không phun thuốc, không bán, chỉ để nhà ăn.
Tôi thắc mắc: “Thế anh trồng rau kiểu này thì bán được cho ai, mà đem rau bẩn ra chợ không sợ bị ngành chức năng kiểm tra bắt à?”.
N cười hềnh hệch bảo: “Ôi giời, ra ngoài chợ cứ thấy hàng rau đẹp, xanh mướt là mối lái xúm vào “ăn” hết ngay chứ chẳng ai để ý rau sạch hay bẩn đâu, không tin đêm nay cứ theo tôi ra chợ đầu mối mà xem”…
Nói rồi, N hối mọi người bắt đầu ăn xong đến chiều tối còn tranh thủ nhổ rau để kịp cho buổi chợ đêm.
Vườn của gia đình N có diện tích 2.500 m2, trồng nhiều loại rau khác nhau để hàng ngày “căn” chợ và nhu cầu người tiêu dùng cần rau gì là có bán ngay.
Theo N, cứ bình quân mỗi ngày anh tiêu thụ khoảng hơn 1 tạ rau các loại, thậm chí nếu bữa nào nghe ngóng chợ đang hút hàng N còn tranh thủ về nhổ cả hai ba chuyến rau trong đêm. Chủ yếu bán rau ra các chợ đầu mối, còn thỉnh thoảng cân thêm cho HTX khi họ đến tận vườn thu mua.
Qua tìm hiểu tôi được biết, N đã có thâm niên trồng rau hơn chục năm nên đến giờ kinh nghiệm “xử lý” rau bẩn cũng khá thông thạo.
N chia sẻ: “Chỉ cần đứng từ xa ngửi mùi là mình có thể biết người ta đang phun loại thuốc gì trên rau rồi, ở đây mỗi hộ đều có “bí quyết” trồng rau riêng, chẳng ai chỉ cho ai đâu nên mình phải tự biết xử lý rau theo mùa vụ và nhu cầu người tiêu dùng cần gì thì mới... ăn”.
Vườn rau VietGAP kiểu đối phó
Nhật ký VietGAP kiểu đối phó
Tranh thủ lúc vợ chồng anh N đang nhổ rau để chuẩn bị cho buổi chợ đêm, tôi ghé sang vườn rau của hộ ông TVT kế bên. Lúc này ông T cũng đang mải dặm nốt những liếp rau xanh trước khi chờ đến tối đóng hàng rau ra chợ.
Vừa bước sang vườn rau nhà ông T, điều khiến tôi ngạc nhiên khi thấy treo tấm bảng “Mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP” rất bự giữa vườn, nhưng để ý cũng chẳng có gì khác biệt so với các vườn rau xung quanh.
Thấy tôi thắc mắc, ông T cười bảo: “Hôm nọ, có mấy đoàn xuống thăm vườn rồi vận động tôi tham gia lớp học VietGAP cùng với các hộ trồng rau khác. Xong vừa học được vài bữa họ đã xuống cấp cho tấm bảng này và bảo treo thì mình cũng treo đại vậy chứ có biết gì đâu. Còn trồng rau bắt buộc vẫn phải bón phân, phun thuốc hàng ngày để dưỡng rau tốt mới bán được thì “ghép” gì nổi hả chú?”.
Nói rồi, ông T chạy vào nhà lôi ra mớ sổ khoe là “Nhật ký đồng ruộng” và hợp đồng chứng nhận, do ông mới tham gia lớp học VietGAP được họ phát sổ để về ghi chép hàng ngày.
Tôi cầm những cuốn sổ lật xem chỉ thấy có vài dòng nguệch ngoạc, còn nhiều chỗ vẫn để trống ngày, tháng...
Ông T giải thích: “Mặc dù họ hướng dẫn mình cách ghi chép theo quy trình, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch phải ghi rõ vào sổ nhật ký ngày tháng gieo hạt, bón phân, phun thuốc...
Vậy nhưng công việc bận bịu tối ngày trên vườn, đêm còn phải lo “đi rau” về mệt khiến mình cũng chẳng còn nhớ gì mà ghi. Nói chú đừng cười, việc ghi chép cũng cho có lệ vậy thôi chứ thật ra cả dăm bảy loại phân thuốc này tôi chỉ gom vào ghi một lần để nộp cho xong.
Tuy nhiên, mình cũng chỉ ghi đủ theo hướng dẫn chứ ghi hết tất cả các loại thuốc trên rau có mà lộ hết à. Sau khóa học, họ cấp cho tấm bảng VietGAP này về treo nhưng chẳng được hỗ trợ gì thêm và đến nay cũng không thấy ai quay lại”.
Theo ông T, mỗi người nếu đi học sẽ được phát 25.000 đồng/buổi, cũng có hôm còn được 50.000 đồng tiền công ngồi nghe giảng VietGAP. Thậm chí, cuối khóa có người bận việc nghỉ ở nhà cũng được gửi tiền vì đã đăng ký học. Tuy nhiên, họ yêu cầu các “thí sinh” học xong về phải ghi chép nhật ký đồng ruộng đầy đủ để cuối khóa học (sau 4 tháng) nộp sổ lại để được xét cấp chứng nhận VietGAP.
Tôi hỏi: “Ông trồng rau nhưng hàng ngày có dám ăn rau không?”.
Ông T đáp: “Nói thật là vì chính tay mình trồng nên giờ cứ nhìn thấy rau là ngán, sợ lắm chẳng dám đụng đến. Nếu bữa nào có thèm lắm cũng chỉ cắt ít rau trồng riêng trong góc vườn để ăn, chứ lâu rồi cả nhà tôi chỉ ăn thịt cá riết cũng thành quen”.
“Vậy ông nghĩ thịt, cá không bẩn à?”, tôi vặn hỏi.
Ông T đáp: “Vẫn biết chẳng có món gì sạch hết, nhưng chẳng qua vì khuất mắt trông coi nên mới dám ăn chứ nếu chứng kiến thực tế người ta làm bẩn chắc mình đành nhịn luôn cho lành bụng”.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam