Kỵ nhật

    0
    1504

    Ngày giỗ cụ kỵ, ông bà, cha mẹ gọi là ngày kỵ nhật. Chiều hôm trước là cúng tiên thường, hôm sau mới là ngày chính kỵ. Cái giỗ xa (cụ kỵ ông bà) thì sắm sửa con gà, ván xôi hoặc một vài mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau con cháu sum họp ăn uống với nhau. Còn về ngày giỗ cha mẹ thì tục thường làm phong hơn. 



    Trong khi giỗ, dẫu làm lớn nhỏ thế nào mặc lòng, nhưng tất làm sao phải có bát cơm úp vào một quả chứng luộc làm đầu. Cỗ bàn thì tuỳ nhà giàu, nghèo mà sử phong kiệm khác nhau. Nhiều nhà mời bà con khách khứa. Bà con khách khứa người thì mang chè, cau, rượu, người thì đem vàng hương đến lễ giỗ, rồi mới uống rượu. 


    Nhà hào trưởng trong làng, có khi cả làng đến ăn giỗ, nhà ông thầy dạy nhiều học trò, thì cả học trò đến ăn giỗ, nhà quan trưởng thì thường cả tổng lý phủ huyện đến lễ giỗ, ăn uống phiền phí lắm. 


    Có nơi, nhiều hôm cúng tiên thường, bà con đã đến chơi đông, uống rượu xong thì dở ra bài bạc thuốc phiện, lấy tiếng rằng ở lại chầu chực gia tiên mà bày ra cuộc vui vẻ. Sáng hôm sau uống một bữa rượu chính kỵ nữa mới tan. 


    Nhớ kỵ nhật tiền nhân mà cúng cấp cũng là một bụng tốt. Nhưng nguyên ý lúc người mới chế lễ ra, chẳng qua dùng cách ấy để tỏ lòng nhớ tiền nhân là người sinh mình, người gây dựng nên cơ nghiệp cho mình, là một ý bất vong bản mà thôi. Chớ không dùng cách ấy để làm sự vui vẻ làm cách giao thiệp với đời. Kỳ thủy ta không phải là không hiểu ý ấy, nhưng chắc vì cớ mấy người trước muốn nhân dịp nhà mình có sẵn cỗ bàn cúng cấp mà muốn hội mặt bà con anh em. Hoặc vì bà con anh em, cùng người gia hạ, nhớ đến ân tình của ông cha mình, hay là ví nể mình và đến lễ kỵ, mình có lẽ nào vong tình được mà chẳng khoản đãi. Vì thế thành tục, rồi nhiều người phải miễn cưỡng mà theo tục, té ra phần nhớ đến tiên nhân thì ít, mà phần lo về khoản đãi bà con khách khứa thì nhiều. 


    Đã đành cho rằng có thì mâm cao cỗ đầy, chẳng có thì lưng cơm cái trứng, cũng đủ tỏ chút lòng thành, nhưng ngặt vì tục đã quen, không cố mà lo được thì người ta chê là bủn xỉn, mà trong lòng mình cũng áy náy không đành! 


    Ngày kỵ, là một ngày chung thân chi tang, là ngày thương xót, ngày rầu buồn, đáng lẽ chỉ nên đóng cửa mà thương nhớ mới phải. Mà dẫu có theo tục dùng cách cúng tế làm sự kỷ niệm thì làm thế nào cho giản tiện, miễn là tỏ chút lòng với tổ tiên là đủ, tưởng không nên bày vẽ cho sinh tốn làm gì. Nếu có của mà muốn họp mặt bà con anh em, khoản đãi khách khứa thì tưởng nên dùng vào những dịp ăn mừng còn phải hơn. 


    Xét như tục Âu châu, nhớ ngày huý nhật, con cái chỉ đem bó hoa ra mả là cùng. 


    Tục Nhật Bản cũng chuộng sự tế tự, nhưng đến ngày huý nhật, con cháu chỉ đem hương hoa dưng cúng mà thôi. 


    Xem như tục các nước văn minh ấy, tuy rằng thanh đạm nhưng thực đủ tỏ lòng thành kính, mà lại giữ được tiền của để dùng vào việc đáng dùng. 


    (Nguồn tin: Phong tục Việt Nam)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815