Công an và lực lượng dân phòng bao vây người biểu tình chống Trung Quốc tại TP HCM, ngày 18/5/2014.
HÀ NỘI — Các cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu trong lãnh hải của Việt Nam đã bị công an giải tán hôm Chủ nhật. Động thái này của chính quyền diễn ra tiếp theo sau một tuần lễ để cho các cuộc biểu tình phản đối diễn ra tại Việt Nam, trong đó có một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo động.
Thông tín viên Marianne Brown của đài VOA, chứng kiến các diễn tiến ở thủ đô Hà Nội, tường trình rằng rất nhiều công an có mặt bên ngoài Ðại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội sáng Chủ nhật, và công viên mà người biểu tình đã tụ tập hồi tuần trước cũng bị phong tỏa.Một số người biểu tình đến nơi liền bị công an bao vây và giải tán, và không để cho họ nói chuyện với các phóng viên báo chí. Ông Lê Thiện Nhân, một người thường tham gia biểu tình chống Trung Quốc, nằm trong số những người biểu tình này.
Ông Nhân nói với đài VOA: “Mọi người không tham gia cuộc biểu tình hôm nay được vì rất nhiều lực lượng an ninh, công an …quây những người muốn tham gia biểu tình từ tại nhà. Họ bố trí một lực lượng rất đông. Có những trường hợp họ bố trí bảy, tám người, để chống giữ, không cho những người biểu tình xuống đường.”
Biểu tình chống Trung Quốc tại TPHCM, ngày 18/5/2014.
Nhiều người biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh bị công an bắt giữ.Tại Hà Nội, một người biểu tình, 22 tuổi, bị công an mặc thường phục xô đi trong lúc đang nói chuyện với phóng viên đài VOA. Họ chỉ ngưng lại khi đã thực sự kéo thanh niên biểu tình này và các bạn của anh ra xa.
Một nữ công an nói rằng tụ tập tại khu vực này là 'bất hợp pháp'.
Đây là một sự quay ngược đầy kịch tính của chính phủ, trong khi chỉ mới tuần trước họ cho phép những cuộc biểu tình quy mô lớn trên cả nước. Tuy nhiên, trong tuần qua, các vụ bạo loạn có liên quan đến biểu tình đã nổ ra tại các khu công nghiệp ở miền nam và miền trung, dẫn đến việc 2 công nhân Trung Quốc thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương.
Một số nhà quan sát bình luận rằng những nguyên nhân rốt cuộc dẫn đến bạo loạn là do điều điện làm việc kém ở các công xưởng nhiều hơn là tinh thần bài Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy, các giới chức tìm cách trấn an các nhà đầu tư. Các giới chức nói rằng tình hình hiện đang được kiểm soát và những công ty bị ảnh hưởng sẽ được đền bù.
Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, nói với các phóng viên báo chí rằng hàng trăm người đã bị bắt giữ.
Trung tướng Hoàng nói: “Như tôi đã thông báo ngay ban đầu là hoàn toàn chủ động và rất tích cực. Cho nên các lực lượng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an đã khẩn trương triển khai và thực hiện vác biện pháp kiên quyết, quyết liệt, vi vậy mà đã hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tác hại xảy ra. Phải nói là chúng tôi hết sức chủ động, chứ không phải là bị động, không phải là chậm chạp.”
Nhân viên an ninh Việt Nam canh gác bên ngoài khu vực của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 18/5/2014.
Vụ tranh chấp ở giàn khoan dầu không có dấu hiệu hạ giảm. Việt Nam cho biết Trung Quốc đã tăng số tàu trong khu vực này lên đến 130 chiếc, trong đó có 4 tàu hải quân.Tân Hoa Xã đưa tin rằng Bắc Kinh đã di tản hơn 3.000 công dân Trung Quốc ra khỏi Việt Nam sau các vụ bạo loạn.
Cũng trong ngày thứ Bảy, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gởi một loạt tin nhắn trên điện thoại di động đến những người thuê bao các mạng điện thoại di động của nhà nước, kêu gọi người dân thể thiện lòng yêu nước, nhưng không tham gia vào những cuộc biểu tình 'bất hợp pháp'. Tin nhắn đầu tiên loại này được gởi đi hôm thứ Năm.
Chính xác những gì cấu thành một cuộc biểu tình 'bất hợp pháp' hiện không được rõ. Tuy nhiên thông điệp phát đi từ hành động của công an hôm Chủ nhật cho thấy rằng chính phủ sẽ không cho phép có thêm các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nữa trong những ngày sắp tới.
Hình ảnh mới nhất từ Việt Nam: