Giá thú

    0
    8567

    Tuổi đính hôn - Con giai con gái độ mười lăm mới sáu tuổi trở lên, đã là tuần sắp sửa lấy vợ lấy chồng. Hai ba mươi tuổi mới cưới gọi là muộn. Cũng có nhà cưới cho con từ năm 12, 13 tuổi, có nhà ước hôn với nhau từ trong thai. 



    Tục vợ chồng cứ hơn kém nhau một hai tuổi là vừa đôi. 

    Dạm hỏi - Trước hết kén chọn chỗ nào môn đăng hộ đối, xem đôi tuổi không sung khắc nhau, mới mượn mối lái. Mối lái nói với cha mẹ người con gái bằng lòng gả rồi, nhà con trai mới đem cau đem chè đến dạm. Từ đó thì mồng năm ngày Tết hoặc ngày kỵ nhà gái, người rể phải đưa đồ lễ vật đến mới là trọng thể. Cách ít lâu thì làm lễ ăn hỏi; nhà trai đem cau chè, lợn xôi đến nhà gái lễ gia tiên, có nhà dùng cách giản tiện thì chỉ dùng cau, chè, mứt mà thôi. Ở Quảng Nam thì trong lễ ăn hỏi thường lại thêm đôi hoa tai vàng nữa. 


    Sêu - Ăn hỏi rồi mới sêu. Sêu thì mùa nào thức ấy, như mùa vải thì sêu vải, mùa dưa thì sêu dưa... 

    Có nơi một năm chỉ sêu bốn mùa, tháng ba sêu vải, tháng năm sêu dưa hấu, đường, mắm, chim, ngỗng, tháng chín sêu hồng, cốm gạo mới, chim ngói, tháng chạp thì sêu cam, mứt bánh cốm. Đồ sêu nhà gái lấy một nửa còn một nửa trả lại nhà trai gọi là đồ lại mặt. 

    Cưới - Sêu trong một năm hoặc nửa năm thì cưới, cũng có khi phải sêu hai ba năm mới đợc cưới. Nếu không sêu thì xin cưới là thiếu lễ, người ta chê cười, mà nhà gái không mấy người nghe. 

    Trao thư, thách cưới - trước khi muốn cưới thì thì đôi bên nhà giai nhà gái đều quang quẻ cả mới được, nghĩa là người chủ hôn không có tang chế gì. Cưới thì nhà giai viết thư hỏi xem nhà gái ăn những lễ vật như thế nào. Nhà gái muốn những thức gì thì viết thư trả lời nhà giai, nhà giai liệu thế lo được thì mới chọn ngày lành tháng tốt, đính ước ngày cưới với nhà gái. Nếu nhà gái lấy lễ nặng quá thì nhà giai xin bớt đi ít nhiều. Nhà gái không nghe thì có khi lại hoãn việc lại. Mà nhà giai bất đắc dĩ lại phải lo thì có khi vì thế mà hai bên sui gia sinh ra oán ghét nhau.. 


    Đồ thách cưới thì đại để: Bao nhiêu lợn gạo, hoặc ăn bò thì thách bò, bao nhiêu chè, bao nhiêu cau, bao nhiêu rượu, vòng nhẫn, hoa, hột quần áo, chăn màn, và kèm thêm bao nhiêu bạc... 


    Tuỳ nơi thành thị, quê mùa, nhà giàu, nhà nghèo, ăn nhiều, ăn ít, nhưng đại khái cũng trong những khoản ấy. 


    Đám cưới - Về vùng hương thôn với nhau, cưới thường đi về đêm. Lúc đi phải chọn giờ hoàng đạo mới đi, và phải có người đàn ông dễ tính ra đón ngõ trước, khi ra thì reo ầm cả lên rằng gặp giai, để cho mọi việc được dễ dàng mau mắn. Trong đám cưới có một ông già (kén ông già hiền lành, mà vợ chồng còn song toàn, lắm con nhiều cháu mới tốt) cầm một bó hương đi trước, rồi đến các người dẫn lễ, kẻ đội mâm cau, người khiêng lợn rượu... Chú rể thì khăn áo lịch sự, có một đám thân thích dẫn đi. Khi đến nhà vợ, dàn bày đồ lễ, người chủ hôn nhà gái khấn lễ gia tiên rồi thì mời rể vào lễ. 


    Tế tơ hồng - Bày hương án ra sân, dùng lễ xôi, gà, giầu, rượu, tế tơ hồng, rồi hai vợ chồng đều vào lễ. 


    Điển tế tơ hồng do chuyện ngày xưa, có một người tên là Vi Cố, một bữa đi chơi giăng, gặp một ông già đang xe các sợi dây đỏ ở dưới bóng giăng. Hỏi thì ông ấy nói rằng ta là Nguyệt lão coi việc xe duyên cho vợ chồng nhân gian, ta đã buộc sợi dây này vào chân người nào thì dù thế nào cũng phải lấy nhau. Vì thế ta cho việc vợ chồng là có ông nguyệt lão định trước, cho nên thành vợ thành chồng rồi thì phải tạ ơn ông ấy, và cầu ông ấy phù hộ cho ở được trăm năm với nhau. 


    Tế tơ hồng rồi thì người rể vào lạy cha mẹ vợ (tục ấy người theo lối văn minh bây giờ không chịu). Rồi cho họ hàng ăn uống xong mới về. 


    Đưa dâu - sáng hôm sau thì đưa dâu, nhà trai nhà gái cùng ăn mừng, làm cỗ bàn, mời bà con khách khứa. Bà con khách khứa mừng nhau thì kể mừng tiền người mừng chè, cau hoặc là câu đối... Mà thường chỉ mừng bên nhà giai, chứ không có mấy nơi mừng bên nhà gái, nhưng chỉ mừng cho con gái hoặc vài vuông nhiễu điều, hoặc may sẵn thành yếm mà thôi. 


    Đưa dâu, nhà gái cũng kén một ông già cầm bó hương đi trước, rồi bà con họ hàng dẫn cô dâu đi sau. Đến nhà trai rồi thì một vài bà già dẫn cô dâu vào lạy gia tiên, rồi đưa đi lễ nhà thờ đôi bên bố chồng mẹ chồng. Đoạn giở về mới lạy bố mẹ chồng, hoặc còn ông bà chồng cũng lạy. Ông bà cha mẹ chồng, mỗi người mừng cho một vài đồng bạc hoặc một vài chục. 


    Họ hàng ăn uống xong thì lấy phần. Phần phải có xôi thịt, bánh trái, giò chả, cau chuối mới là cỗ cưới 


    Ở thành phố thì thách cưới thường nặng hơn ở nhà quê, mà không có lệ đi ăn cưới đêm. Cưới ban ngày rồi đón dâu về luôn. Trong khi cưới và đón dâu, hai ông già cầm hai cái lư hương ngồi xe che lọng xanh đi trước, rồi các kẻ dẫn lễ khiêng ché rượu, khiêng quả phù trang. Trước còn đi bộ, ít nay đám thì đi toàn xe. 


    Lễ bái cũng như cách nhà quê. Ăn xong cũng có phần, phần có những bánh đường bánh ngọt, lại thêm một cái khăn mặt đỏ để gói phần. Sau lại có bánh dầy bánh chưng chia biếu những người quen thuộc nữa. 


    Phương thuật - Trong khi cô dâu đi đường, ăn mặc tốt đẹp e thiên hạ quở quang, phải cài vài cái kim vào choàng áo, để có độc mồm độc miệng, thì đã có kim ấy chấn áp đi. Có nơi lại đặt hoả lò giữa cửa cho cô dâu bước qua, cũng là ý đấy. Cũng có nơi dâu mới đến cửa, mẹ chồng cầm bình vôi tránh đi một lúc, có nơi dâu mới đến cửa, một người lấy chày cối giã một lúc, tục ấy thì ngộ quá, không hiểu ý làm sao. 


    Đóng cửa giăng dây - Trong khi cưới và lúc đưa dâu, lại có tục đóng cửa, giăng dây. Lúc nhà trai đem lễ đến nhà gái đóng cửa, không cho vào. Nhà trai phải cho chúng nó dăm ba hào, một đồng bạc thì mới mở cửa. Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến, phải nói tử tế và cho chúng vài hào thì chúng mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xong. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải cho. 


    Tục giăng dây này đã có lâu. Về đời huyền tôn, ngời đường thiệu đã dâng biểu nói rằng: Ngày người đớn đau, những kẻ hèn hạ thường lấy xe ngăn trở đường đi, đòi cỗ bàn ăn uống. Tục ấy mỗi ngày một thịnh, đến nỗi các đám cưới của nhà vương công, chúng nó cũng tụ họp đàn lũ, che lấy đường đi, làm cho lôi thôi thì giờ, để đòi tiền của, thành ra tiền giăng dây nặng hơn tiền cưới, xin cấm hết đi mới được, xem vậy thì tức là tục giăng dây của ta bây giờ.


    Giao duyên - Tối hôm cưới , người chồng lấy trầu trăm (Trầu tế tơ hồng), trao một nửa cho vợ, rót một chén rượu, mỗi người uống một nửa, gọi là lễ hợp cẩn. Vợ trải chiếu lạy chồng hai lạy, chồng đáp lại vái một cái. Tục ấy nhà đại gia mới dùng đến, nhà thường thì không mấy người dùng. 


    Lại mặt - Cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ chè xôi đem về nhà vợ lạy gia tiên, gọi là lễ lại mặt, chữ gọi là tế hỷ. 


    Tục Mường - Tục cưới về Mường, Mán rất nực cười. Khi cưới nhà gái nấu một nồi nước bẩn thỉu, cả nhà khóc lóc, chờ khi họ hàng đưa dâu ra cửa lấy gạo muối mang theo và rẩy nước bẩn thỉu ấy, hễ ai chạy không mau thì bẩn cả quần áo. 


    http://vietcadao.com/huongdan/phong-tuc-le-giao/gia-thu-1724.html

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815