• Trang chủ
  • Doanh nghiệp thiệt hại nhiều tỷ đồng vì biểu tình quá khích

    Doanh nghiệp thiệt hại nhiều tỷ đồng vì biểu tình quá khích

    0
    727

    Đám đông quá khích lợi dụng biểu tình đã đập phá cơ sở vật chất, cướp tài sản của không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà còn nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, châu Âu và Việt Nam tại các khu công nghiệp phía Nam.




    Lãnh đạo một công ty Hàn Quốc tại Bình Dương chia sẻ trong tâm trạng hoảng sợ: "Chúng tôi không phải là công ty Trung Quốc, nhưng đám đông vẫn cố tình xông vào đập phá. Không chỉ thiệt hại về trang thiết bị trong văn phòng làm việc, ngay cả két sắt cũng bị đám đông xông vào phá, cướp".


    Ông cho biết, sau một hồi thông báo và giải thích, đám đông mới dần ngưng và rút lui. Để tránh bị cướp bóc và đốt phá vô cớ, công ty phải treo biển ngoài cổng khẳng định 100% vốn Hàn Quốc.


    "Hiện công ty vẫn chưa thống kê được số tiền thiệt hại, nhưng với tình trạng  đóng cửa vô thời hạn, con số thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, đời sống của công nhân Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.


    Với giọng điệu mệt mỏi, giám đốc một công ty chuyên về dệt may tại Bình Dương chia sẻ cuộc biểu tình của hàng nghìn người quá khích dưới Bình Dương phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông đang bị những kẻ kích động lợi dụng.Còn tại nhà máy Việt-Sing (Đài Loan), đám đông đập phá từ 4h chiều cho đến tối. Rạng sáng 14/5, họ trở lại lấy trộm két sắt. Đại diện công ty cho biết trong két sắt chứa khoảng 4 tỷ đồng, để chuẩn bị phát lương cho công nhân. Ngoài ra, công ty còn bị đốt hai chiếc xe tải và một xe hơi.


    “Chúng tôi là công ty 100% vốn Việt Nam, nhưng hôm qua lợi dụng đoàn biểu tình, đám đông đã xông vào đập phá toàn bộ cửa kính cũng như nhà xưởng, thiệt hại ban đầu cả trăm  triệu đồng. Chúng buộc phải đưa mọi bằng chứng và thông báo với đám đông rằng chúng tôi không phải là công ty Trung Quốc thì họ mới ngừng lại”, vị giám đốc này nói.


    Để đảm bảo ổn định nhà xưởng cũng như tâm lý công nhân, hiện nhà máy đã ngưng hoạt động. Dự kiến, thiệt hại  của công ty có thể lên tới hàng tỷ đồng vì ngưng sản xuất, các đơn hàng xuất đi nước ngoài chậm lại. Công ty chỉ hoạt động trở lại khi tình hình ổn định.


    Cùng cảnh ngộ, giám đốc một công ty may Việt nam cũng chia sẻ, khi nhìn thấy đám đông kéo đến, ban lãnh đạo cử người đứng bên ngoài để  thông báo đây là công ty Việt Nam. Nhưng cầm cự đến 4h chiều, đám đông vẫn ào vào phá tan cửa và hành hung cả bảo vệ.


    “Muốn duy trì hoạt động, nhưng chúng tôi không làm được vì đám đông yêu cầu công ty phải cho công nhân nghỉ và bắt đi theo biểu tình”, giám đốc công ty cho biết.


    Công ty đang  phải thực hiện đơn hàng trên 20.000 sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Với tình hình căng thẳng này công ty có thể trễ đơn hàng và bị phạt. Còn nếu “đóng cửa vô thời hạn” có thể bị hủy hợp đồng.












    4-JPG-2351-1400059492.jpg
    Công ty Maxxim (Đài Loan) bị đập phá ở Bình Dương. Ảnh: Nguyệt Triều

    Lãnh đạo một công ty thực phẩm lớn của châu Âu đặt tại Khu công nghiệp Amata (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, 5 doanh nghiệp sản xuất bao bì cho công ty buộc phải đóng cửa vì biểu tình dẫn đến không cung cấp được sản phẩm mà công ty ông đã đặt hàng. Cộng vào đó, tình hình ở Khu công nghiệp Amata cũng đang khá phức tạp, khiến ban lãnh đạo công ty chiều nay đã phải bàn bạc xem có quyết định đóng cửa nhà máy tạm thời hay không.


    Sức ảnh hưởng của các biểu tình quá khích đã tác động đến tâm lý của nhiều doanh nghiệp bên ngoài Bình Dương, Đồng Nai.


    Một doanh nghiệp nhỏ chỉ có hơn 10 nhân viên ở quận 5, TP HCM đang phải tiến hành thay đồng phục có ghi thương hiệu tiếng Hoa. Công ty đã yêu cầu nhân viên không mặc áo ghi tiếng Hoa ra đường sáng nay, và tính toán chuẩn bị thay tất cả các loại bao bì có in tên công ty bằng tiếng Hoa. Chủ doanh nghiệp này nói: "Ông bà tôi là người Hoa và đến Việt Nam sinh sống cả trăm năm rồi. Sống trong cộng đồng người Hoa, nên chúng tôi vẫn quen nói tiếng Hoa và dùng chữ Hoa, nhưng thật ra cả đình tôi, các con tôi đều nhận mình là người Việt Nam từ lâu.Vậy nhưng những ngày này tôi vẫn rất lo lắng".


    Nhiều công nhân ở các công ty nhà máy khác cũng tỏ ra lo lắng. Nam công nhân làm cho một công ty của Đài Loan tại Bình Dương chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ xuất khẩu cho biết, công ty anh đã phải đóng cửa nghỉ từ trưa hôm qua. Đám đông quá khích ở ngoài tràn vào công ty, đập phá bảng hiệu, đồ đạc và thậm chí còn đốt cả các sản phẩm của công ty. Một số công nhân vì cản đám người quậy phá đã bị đánh hội đồng.


    Anh cho biết, ông giám đốc người Đài Loan đối với anh và công nhân rất tốt. Thấy anh chịu khó, siêng năng, tháng nào ngoài tiền lương ra, ông còn thưởng riêng cho anh một khoản không hề nhỏ so với mức lương công nhân bình thường. Trước đám đông phẫn nộ, ông vẫn rất bình tĩnh trấn an công nhân, dặn dò mọi người chịu khó tạm rời bỏ chỗ làm, ở nhà chờ tình hình ổn định lại. "Vậy mà tối qua ông đã khóc rất nhiều. Ông không hiểu tại sao nhiều người lại có thể hành động quá khích như vậy", anh kể.


    Có chung lo lắng, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng, việc công nhân Việt Nam bày tỏ bức xúc là đúng đắn. Tuy nhiên, phản ứng quá khích như đập phá máy móc, cướp bóc tài sản là hành động xấu, tạo điều kiện tiếp tay cho những phần tử phản động.


    “Nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay có truyền thống đoàn kết để chống ngoại xâm. Để làm tốt việc này chúng ta cần bình tĩnh và kiềm chế, không nên để lòng tốt bị lợi dụng. Yêu nước mà thể hiện bằng hành động phá hoại thì phải dừng lại”, ông Hưng bày tỏ.


    Ông Hưng nhận định thêm, khi các hành động phá hoại leo thang, các doanh nghiệp ngưng hoạt động nền kinh tế Việt Nam sẽ yếu đi. Từ đó, đời sống công nhân sẽ bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ mất niền tin cho điểm đến này. Hiện nay, hầu hết các công ty không phải của Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng từ những hành động phá hoại trên. Do vậy, ông Hưng đề nghị cần xử lý nghiêm những phần tử kích động. Nhà nước nên có những cam kết về trách nhiệm an toàn cho những doanh nghiệp này để trấn an tinh thần.


     Thi Hà



    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815