Cúng Chạp Mả

    0
    2242

    Hướng dẫn cúng chạp mả


    Hằng năm, từ đầu tháng Chạp, các chi, phái tộc ở vùng quê Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng tiến hành dẫy mả, chạp mả. Đó là dịp con cháu ở xa tìm về nguồn cội...Và mỗi tộc họ đều chọn cho mình một ngày "chạp" cố định và giữ mãi cho đến ngày nay. 


    Trước khi chính thức cúng chạp mả độ vài ngày, những người cao tuổi ở các chi, họ đều hướng dẫn con cháu đi dẫy mả. Trước khi dẫy, người già đưa mọi người đến ngôi mộ có vai vế cao nhất, thắp hương khấn vái với thần hoàng bổn xứ và người đã khuất. Theo tập tục tổ tiên ông bà, hằng năm con cháu dẫy mả để mộ phần được đẹp đẽ hơn, sau đó khấn mời chư vị về nhà thờ tộc để sum họp và hưởng phẩm vật...Tuy không bắt buộc nhưng mỗi gia đình trong họ tộc dẫu có bận đến mấy cũng sắp xếp cử người đi dẫy mả cùng anh em trong họ tộc. Người thì mang theo cuốc bén, người thì đắp lại những phần mộ bị sụt, khuyết đất, lở đất, người thì dùng liềm phát quang chung quanh mả. Qua đây, các người già nói con cháu biết vai vế, công trạng, đức tính... từng người nằm dưới mồ. 


    cung-chap-ma

    Song song với dẫy mả, ông tộc trưởng cử người đi mua bò, heo trước đó ít ngày. Gặp năm trời nắng tốt, con cháu đông đủ thì làm bò, gặp năm mưa gió thì làm heo. Khoảng 3 giờ sáng, họ đã thức dậy nhóm lửa bắc nước làm bò, heo. Mờ sáng, các chị, các mẹ mang theo gióng, mủng xuống chợ Túy Loan mua hương đèn, hoa trái, các loại rau trái như sắn mồi, đậu cô ve, khoai tây, cà rốt, mì khô, khoai môn...gánh về nhà xúm nhau nấu nướng. Ông tộc trưởng còn phân công người dọn bàn thờ, thay nước, tiếp khách, chuyện trò về mùa màng, mưa nắng, khuyến học... trong tộc họ thời gian qua. 


    Đúng 11 giờ, sau khi kiểm tra "phẩm vật" trên các bàn cúng, ông tộc trưởng bằng lòng cho tiến hành cúng, các bàn thờ được thắp hương đèn sáng loá, trầm hương nghi ngút. Tuy nhiên, bàn cúng đặt trước sân là cúng thần hoàng được cúng trước. Sau đó là nghi lễ cúng ông bà tổ tiên trong nhà. Con cháu vòng tay đứng hai bên, có người chiết tửu (rót rượu), có người quỳ gối đọc lá sớ viết trên giấy vàng. Ông tộc trưởng lạy, khấn trước, sau đó tùy theo vai vế mà lần lượt lạy ông bà tổ tiên. Trong không khí thiêng liêng, ấm áp với hương trầm nghi ngút, hình như tổ tiên, ông bà đã về sum họp cùng cháu con. Khi hương đã sắp tàn, kết thúc bằng màn vái, lạy của ông tộc trưởng, nước trà được rót vào chén để ông bà dùng và nhận phần diêm mễ, vàng mã, áo giấy được mang ra sân đốt. 


    Trước khi vào tiệc, ông tộc trưởng cho người mang trên ban thờ xuống một bàn lễ gồm có: 1 chai rượu gạo, một đĩa trầu cau và các đĩa đựng đầu heo, nọng, 2 miếng thịt tợ (thịt luộc) và mời đại diện các chi nhánh, nội ngoại nhận lễ. Theo đó, đầu heo kính họ nội, cái nọng kính họ ngoại, hai miếng thịt tợ kính các chi nhánh. Theo tập tục xưa bày nay bắt chước, kính đầu heo, nọng là tỏ lòng biết ơn họ nội, ngoại, các chi đã giúp sức rất lớn để tổ chức chạp mả được thành công tốt đẹp. 


    Ngoài ra, nhiều làng ở Hòa Vang hằng năm còn có một buổi đi dẫy mả "Âm linh", nghĩa là dẫy những nấm mồ vô chủ. Khoảng nửa buổi, làng cũng có cúng Đình, tế Âm linh với chiêng trống đánh "bru...bru... bằm...bằm...". Gần trưa, các cánh trai tráng, nông dân đi dẫy mả Âm linh về trước sân đình để rửa tay chân, sau đó vào đình ăn đám cúng Âm linh, chủ yếu là rượu gạo, xôi, thịt heo, bánh tráng nướng... 


     (Theo: simplevietnam)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815