• Trang chủ
  • Bản tin Hoàng Sa ngày 13/5: Trung Quốc cố tình phun vòi rồng tạo bằng chứng giả

    Bản tin Hoàng Sa ngày 13/5: Trung Quốc cố tình phun vòi rồng tạo bằng chứng giả

    0
    678

    Ngày 13/5, ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, các vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam vẫn xảy ra. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục có những lời bao biện cho hành vi sai trái của mình.

     


    Ngày 11/5, đông đảo kiều bào người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức đã tham gia biểu tình ở thủ đô Berlin để phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.


    * Theo tin đã đưa, đến ngày 13/5, các vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Đặc biệt, phía Trung Quốc còn cố tình phun vòi rồng tạo bằng chứng giảđể tìm mọi cách đổ lỗi cho tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. (Xem chi tiết)

    * Sáng 13/5 tại vị trí giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu hải giám, hải cảnh… Trung Quốc xuất hiện dày đặc. Các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động trong khu vực này đều gặp phải sự ngăn cản, gây hấn của tàu Trung Quốc. (Xem chi tiết)

    * Đến chiều ngày 13/5, tàu 4032 của Cảnh sát biển Việt Nam đã vào sâu khu vực giàn khoan Hải Dương-981 để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Dẫu vậy, tàu 4032 phải liên tục cơ động di chuyển khi bị 5 tàu Trung Quốc áp sát, đe dọa bắn vòi rồng.

    Lúc 16h ngày 13/5, vị trí tàu 8003 cách giàn khoan khoảng 10 hải lý. Cùng đi với tàu CSB 8003 còn có các tàu 2013, 2015 và 4032. Riêng tàu 4032, vừa bị 2 tàu Trung Quốc đâm hư hỏng sáng cùng ngày, đã kịp thời sửa chữa để tiếp tục cùng các tàu làm nhiệm vụ.

    * Hôm 12/5, Cảnh sát biển Việt Nam ghi nhận việc Trung Quốc tăng thêm các tàu chiến, thậm chí cả tàu tuần tiễu săn ngầm đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Đó là các tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534; tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754; còn chiếc tàu săn ngầm mang số hiệu 786. Đến hôm nay, tin từ Cảnh sát biển Việt Nam cho biết có tổng cộng 86 tàu Trung Quốc đang dàn trận bảo vệ giàn khoan trái phép.

    Theo đó, tại khu vực giàn khoan đang có các tàu sau của Trung Quốc: 1 tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu 534; 1 tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786); 32 tàu Hải cảnh; 4 tàu Hải giám; 4 tàu Hải tuần; 2 tàu Ngư chính; 7 tàu kéo cứu hộ; 19 tàu vận tải; 1 tàu dầu, 15 tàu cỏ vỏ sắt.

    * Phía Trung Quốc hôm 12/5 đã đưa ra phát ngôn bình luận về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra hôm 11/5. Theo luận điệu do Phát ngôn viên Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra, nước này cho rằng Việt Nam sẽ không thành công trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế đứng về phía mình và muốn Việt Nam  ”ngừng quấy rối hoạt động của Trung Quốc”. Đây là lời phát biểu vô cùng trơ trẽn về hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. (Xem chi tiết)


    * Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một tuyên bố được phát đi từ Washington hôm 12/5 cũng khẳng định, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới “rất lo ngại” trước sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông những ngày qua. Trong chiều ngày 13/5 giờ Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để chỉ trích hành động đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam

    * Tại một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản – đất nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, dư luận tỏ ra bất bình, đưa ra rất nhiều chỉ trích về sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. (Xem chi tiết)

    * Các tờ báo nổi tiếng thế giới tiếp tục đưa ra nhiều bình luận về phát biểu gây chú ýcủa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra hôm 11/5. Theo họ, tình hình Biển Đông hiện nay đang là phép thử cho mối quan hệ và tình đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy bất chấp luật pháp quốc tế.(Xem chi tiết)

    * Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, là chuyên gia về Biển Đông, cũng đã có phát biểu về hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc. Ông cho rằng: “Trung Quốc tráo trở và giẫm đạp luật pháp quốc tế” khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. (Xem chi tiết)

    * Trên mặt trận ngoại giao, trong ngày 13/5, lãnh đạo Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã mời đại diện Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đến để phản đối về việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và một lượng lớn tàu bảo vệ vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. (Xem chi tiết)

    * Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 12/5, Chuẩn đô đốc Ngô Sĩ Quyết cho biết diễn biến trên biển tiếp tục căng thẳng. ”Hiện lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển vẫn đang kiên cường bám trụ, đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan HD-981 (Haiyang Shiyou 981) ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” – ông Quyết cho hay.

    Theo ông Quyết, nhiều khả năng phía Trung Quốc đã định vị được giàn khoan nên trong những ngày tới sẽ tiến hành tác nghiệp, khoan thăm dò. “Đây là bước đi nguy hiểm của Trung Quốc”.

    * Ông Gregory Poling – chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington D.C – cho rằng, “Trung Quốc muốn đưa Việt Nam vào bẫy” khi đem giàn khoan nước sâu đến đặt ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

    Ông Poling nói, việc Trung Quốc đặt giàn khoan hoàn toàn không phải vì vấn đề kinh tế, cũng không phải dầu lửa. Trung Quốc chỉ có một giàn khoan như Hải Dương 981. Nó được sử dụng chính ở vùng biển Hồng Kông và ở khu vực không có tranh chấp ở biển Đông. Trung Quốc cần giàn khoan này sử dụng vào mục đích chính là khai thác dầu, do đó họ tuyên bố chỉ cắm ở đó cho tới tháng 8 hoặc sớm hơn, rồi rút về để khoan kiếm dầu thực sự. Chính vì vậy, việc đưa giàn khoan tới chỉ là muốn gửi một thông điệp chính trị.

    Bên cạnh đó, theo ông Poling, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là chiêu bài mà Trung Quốc sử dụng lâu nay, đó là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.

    * Người dân Việt Nam khắp nơi trong nước và trên thế giới vẫn tiếp tục tuần hành để lên tiếng phản đối hành vi xâm lược chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc: Hội sinh viên Việt Pháp, nhân sĩ trí thức Huế, người Việt tại Đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

    Minh Anh (Tổng Hợp)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    1900636815